Nguồn cơn trào lưu, cuối năm 2021, video siêu mẫu Vũ Thu Phương trình diễn catwalk tại đêm chung kết The Next Face Vietnam được một người dùng mạng lồng nhạc nền điệu Vọng Kim lang remix bất ngờ gây 'sốt', hút hàng triệu lượt xem.

Giai điệu này nhanh chóng lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội, truyền thông. Tại buổi sơ tuyển The Face Vietnam 2022, ban tổ chức dùng nhạc nền Vọng Kim lang remix để thử thách thí sinh đi catwalk. Dù vậy, các chủ kênh, thậm chí một số trang tin, hầu như chỉ gọi bằng những cái tên như 'bản nhạc trôi huyền thoại', 'điệu tằng tắng tăng'...

Ban tổ chức The Face Vietnam thử thách thí sinh  

Tác giả điệu 'Vọng Kim lang' là ai?

Theo kết quả tìm kiếm trên Google, phần lớn bài viết đề cập tác giả điệu Vọng Kim lang là cặp soạn giả, nhạc sĩ, NSND Thanh Hải - Văn Giỏi, một số ít cho rằng tác giả là cố nhạc sĩ, NSƯT Hoàng Lê.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đạo diễn Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định cho biết tác phẩm gốc Vọng Kim lang thuộc thể loại bài chòi, là sáng tác của cố nhạc sĩ Hoàng Lê (1924 - 1987).

Năm 1952, Đoàn Văn công Liên khu V tập kết ra Bắc với 2 bộ phận hát bội và bài chòi, đến năm 1957 Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trương tách thành Đoàn Dân ca - Kịch và Đoàn Tuồng Liên khu V. 

img 1699695002346 1699695556288 image repair 1699695573130.jpg
Bản nhạc gốc 'Vọng Kim lang'.

Từ đó, Đoàn Dân ca - Kịch Liên khu V dựng rất nhiều tác phẩm sân khấu như Quang Trung, Tầm vóc Đại Hồng… trong đó có vở kịch bài chòi Nghìn thu vọng mãi. Nhạc sĩ Hoàng Lê sáng tác bài Vọng Kim lang nhằm phục vụ vở diễn này.

Trong cuốn Lịch sử ca kịch và âm nhạc bài chòi (xuất bản năm 1980) do chính nhạc sĩ Hoàng Lê viết, vở Nghìn Thu vọng mãi có 3 bài hát là Vọng Kim lang, Đất Hồ lòng HánHiu quạnh.

Theo đó, Vọng Kim lang (nghĩa là "nhớ Kim Trọng") có lời gốc: “Chốn Liêu Dương cách trở muôn trùng/ Trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san/ Thiếp trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san/ Mộng vàng đêm trường ai về thấp thoáng, tỉnh ra lại tủi suốt canh chầy…” diễn tả nỗi nhớ nhung của Thúy Kiều khi Kim Trọng về quê chịu tang chú.

Tác phẩm bài chòi 'Vọng Kim lang'

Theo ông Nguyễn An Pha, nhạc sĩ Hoàng Lê sáng tác bài Vọng Kim lang từ chất liệu sẵn có là các làn điệu dân ca duyên hải Nam Trung Bộ. Tác phẩm là một trong nhiều làn điệu dân ca cải biên ra đời trong giai đoạn này.

Cả đời đính chính, người ta vẫn nhầm

Khoảng năm 1976 - 1977, NSND Thanh Hải làm việc tại một nhà đài, ngoài mảng cải lương còn làm một số chương trình ca Huế và bài chòi. Một hôm, ông tình cờ nghe bài Vọng Kim lang trên sóng phát thanh của Liên khu V liền rất thích.

Khi bạn - NSND Văn Giỏi hỏi "Gần đây mảng ca Huế và bài chòi có bản nào hay?", Thanh Hải liền đàn bài Vọng Kim lang. Hai người tâm đắc nên hợp soạn phần tiền tấu (intro) rồi hòa tấu bài hát theo cảm nhận riêng, tổng thời lượng gần gấp đôi bản gốc.

Như vậy, hai nhạc sĩ đã cải biên bài Vọng Kim lang của Hoàng Lê thông qua việc viết thêm và thể hiện dưới hình thức mới. Theo họ, từ cái tên Vọng Kim lang đến bản nhạc gốc) đã có từ lâu nhưng chỉ phổ biến trong phạm vi sinh hoạt bài chòi, đại chúng không biết hoặc ấn tượng nhiều.

avaaaaaaaaa 1 image repair 1699631377267.jpg
Nhờ cặp soạn giả Thanh Hải - Văn Giỏi, 'Vọng Kim lang' trở thành điệu kinh điển trong cải lương.

Khi lên sóng phát thanh, bản hòa tấu Vọng Kim lang tạo cơn 'sốt' khắp miền Nam, được các soạn giả ưa chuộng nên dần trở thành điệu cải lương phổ biến, nhất là cải lương Hồ quảng. Các tác phẩm có sử dụng điệu này như: Thất thủ Cô Tô thành, Tam đả Châu Ngọc Long, Trắng hoa mai, Sắc tứ Tam Bảo tự, Chiêu Quân cống Hồ, Tiếng trúc thần, Dương gia tướng...

"Chúng tôi luôn khẳng định không sáng tác bài Vọng Kim lang để không bị cho là mạo nhận. Tác phẩm hòa tấu của tôi và anh Giỏi thực sự khác xa bài gốc, được người người nhà nhà yêu thích", NSND Thanh Hải nói với VietNamNet.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định nhận xét: "Giai điệu gốc bài Vọng Kim lang trúc trắc, khuôn khổ, không thể biến tấu. Khi vào cải lương đã khác khá nhiều, các nghệ sĩ ngâm, ca điệu này một cách mượt mà, rất hay và hợp".

Số phận của 'Vọng Kim lang'

Từ bản hòa tấu Vọng Kim lang của Thanh Hải - Văn Giỏi, nhiều tác giả viết thêm lời, thêm hoặc biến tấu giai điệu... tạo thành vô số tác phẩm phái sinh khác nhau.

Tác phẩm phổ biến nhất hiện nay là bài dân ca Vọng Kim lang có lời: "Ôi tuổi xanh mộng mơ vấn vương tháng năm mong chờ/ Hứa duyên trao lời/ Ngày anh về lứa đôi thành hôn..." từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện như Phi Nhung, Nhật Kim Anh, Giáng Tiên... Một bài nổi tiếng khác là Đêm trăng nhớ Bác của nhạc sĩ Nguyễn Kiểm.

Bản phái sinh nổi tiếng nhất của 'Vọng Kim lang'

Điều thú vị, trước video Vũ Thu Phương catwalk lồng nhạc nền Vọng Kim lang remix gây sốt, giai điệu này từng tạo trào lưu hồi năm 2018.

Cụ thể, một đài đăng chương trình tuyên truyền phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết dưới dạng video ca nhạc. Người phụ nữ vừa hát điệu Vọng kim lang, vừa hướng dẫn: "Anh giở nắp lu ra đi/ Ngó xem ở trong con gì nó tung tăng lội/ À, chính là cái con lăng quăng...". Giai điệu và lời dễ nhớ, dễ thuộc, được nhiều nghệ sĩ Việt yêu thích, quay video hát cover. 

Sau khi tạo cơn sốt lần nữa vào năm 2021, đến nay, nhạc nền Vọng Kim lang remix vẫn được nhiều người mẫu, hoa hậu như Võ Hoàng Yến, Thúy Vân, Khánh Vân, Mâu Thủy… và người dùng mạng TikTok yêu thích, chọn quay video ngắn catwalk. Các video quay vui thu hút hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem. 

Thanh Duy, Liz Kim Cương và Quang Trung hát điệu 'Vọng Kim lang' (nguồn: Báo Thanh Niên)

Đạo diễn Nguyễn An Pha nói thêm sau khi nhạc sĩ Hoàng Lê mất năm 1987, Vọng Kim lang trở thành di sản âm nhạc quý giá của người dân Bình Định.

Nhắc đến bài chòi - loại hình nghệ thuật đặc trưng Trung Bộ - không thể không nhắc đến bài Vọng Kim lang và sự đóng góp của cố nhạc sĩ Hoàng Lê. Đến nay, nhiều tác giả địa phương vẫn thường dùng điệu này để viết lời, tạo ra những tác phẩm mới. 

Hoàng Hải - con trai cố nhạc sĩ Hoàng Lê - không thôi đau đáu về âm nhạc cha để lại. Gia đình luôn mong muốn đính chính tác giả bài Vọng Kim lang kinh điển là cố nhạc sĩ Hoàng Lê.