Hôm 13/4, Đại sứ quán Vương quốc Saudi Arabia đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán một số quốc gia Arab và Hồi giáo tại Việt Nam như Palestine, Libya, các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Maroc, Algeria, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Brunei, Iran, Azerbaijan... tổ chức lễ Eid al-Fitr.

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban ngành Việt Nam như Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, các Đại sứ, Đại biện, Trưởng Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đông đảo các thành viên cộng đồng Hồi giáo tại Hà Nội.

buoile.png
Quang cảnh buổi lễ Eid al-Fitr tại Hà Nội.

Lễ Eid al-Fitr, hay còn gọi là lễ xả chay, là một trong trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo. Đây là sự kiện đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan thiêng liêng - khoảng thời gian mà người Hồi giáo thực hiện nhịn chay, cầu nguyện và chiêm nghiệm, cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình, cả về tinh thần lẫn đạo đức.

Khi tháng Ramadan kết thúc cũng là thời điểm người Hồi giáo khắp nơi trên thế giới tổ chức đón mừng lễ Eid al-Fitr.

Tại sự kiện, Đại sứ Vương quốc Saudi Arabia, Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, đã giới thiệu khái quát về lễ Eid al-Fitr và tầm quan trọng của dịp lễ này đối với người Hồi giáo cũng như những phong tục tập quán Saudi Arabia trong dịp này. 

Trong dịp lễ này, người Hồi giáo thường quây quần với gia đình và bạn bè để cầu nguyện, tặng quà cho nhau và thưởng thức những món ăn ngon. Đó là thời gian cho sự tha thứ, lòng trắc ẩn và sự đoàn kết, khi mọi người cùng nhau ăn mừng kết thúc một tháng đổi mới tinh thần.

Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cũng cho biết tại Saudi Arabia, sau khi thực hiện các nghi lễ Eid, mọi người thường quây quần với các em nhỏ - những người được tặng quần áo mới, đồ chơi và quà “Eidia”.

Sau đó, mọi người cùng thưởng thức càphê, chà là, bánh kẹo và các món ăn truyền thống.

Vào buổi tối đầu tiên của lễ Eid al-Fitr, các tín đồ ra ngoài trong những bộ quần áo đẹp nhất - thường là quần áo mới được mua cho dịp lễ đặc biệt này - để xem pháo hoa và chúc nhau “Eid Mubarak,” có nghĩa là chúc mừng Lễ Eid.

Nhân dịp này, Đại sứ cũng kêu gọi các nỗ lực đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới; thúc đẩy sự hiểu biết, lòng khoan dung và lòng trắc ẩn để tất cả mọi người có thể sống hòa hợp, bất kể tín ngưỡng, tôn giáo hay nền tảng văn hóa.

Theo Đại sứ Pakistan tại Việt Nam, ở Pakistan, lễ này có tên gọi là Meethi Eid, nghĩa là lễ Eid ngọt ngào, vì các món kẹo truyền thống là một phần không thể thiếu của Eid al-Fitr. Vào buổi sáng, các thành viên nam trong gia đình cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo hoặc nơi công cộng.

Tặng quà và quyên góp cho người nghèo cũng là một phần quan trọng của ngày lễ. Trẻ em mong nhận được Eidi (tiền lì xì). Còn đối với phụ nữ, ngày lễ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vòng tay thủy tinh truyền thống (chooriyaan) và henna (hay mehndi) - nghệ thuật trang trí tay và chân độc đáo bằng mực vẽ được làm từ lá cây Henna.

Tại chương trình, Đại sứ quán các nước Bangladesh, Libya, Maroc, Pakistan, Indonesia, Iran... cũng tham gia giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của nước mình trong dịp lễ Eid Al-Fitr, đồng thời trình chiếu các video clip giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người của mình.

Tham dự buổi lễ, khách mời không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động, tưng bừng của lễ Eid al-Fitr, mà còn được trải nghiệm không gian văn hóa Arab, Hồi giáo; khám phá, tìm hiểu những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa cũng như thưởng thức các món ăn, bánh trái và ẩm thực đặc trưng của các quốc gia này.

PV