Video: Quá trình thiết kế và trang trí kho gạo 300 tấn thành sân khấu tiệc cưới lung linh. Nguồn: Đặng Thanh Tứ

Những ngày qua, mạng xã hội bàn tán sôi nổi về các đoạn video quay lại cảnh cô dâu nhận của hồi môn 300 tỷ đồng, đám cưới của con gái chủ vựa gạo, biến kho gạo 300 tấn thành sân khấu tiệc cưới… 

Mỗi video đều nhận được hàng triệu lượt xem, bình luận của cộng đồng mạng. Chủ nhân của các đoạn video kể trên là anh Đặng Thanh Tứ, quản lý của một đơn vị chuyên thiết kế và trang trí tiệc cưới.

Trao đổi với VietNamNet, anh Tứ khẳng định thông tin trong các video mà anh đăng tải trên trang cá nhân là đúng sự thật.

Trước đó, đơn vị của anh Tứ có cơ hội được một khách hàng ở Long An lựa chọn thực hiện việc thiết kế và trang trí tiệc cưới cho con gái.

Biến kho gạo 300 tấn thành không gian tiệc cưới đầy hoa tươi.

Người đó là một phụ nữ giàu có, kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo lớn nhất nhì ở miền Tây.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là biến kho gạo 300 tấn thành sân khấu tiệc cưới lung linh như cổ tích”, anh Tứ chia sẻ.

Đầu tháng 6/2023, đơn vị của anh Tứ bắt tay thiết kế và trang trí trước vài ngày tiệc cưới diễn ra. 

Địa điểm tổ chức tiệc cưới chỉ là một phần phía trước của kho chứa gạo. Nhóm của anh Tứ mất nửa ngày để di dời 300 tấn gạo đến nơi khác.

Trước cưới một ngày, đơn vị của anh Tứ chuyển 2 tấn hoa tươi đến và bắt đầu quá trình trang trí. Hoa tươi được chở bằng 3-4 xe tải. Số lượng hoa quá lớn khiến nhóm của anh cảm thấy áp lực dù đã quen việc. 

Hôm đó, khu vực Long An còn có mưa lớn nên việc thi công của nhóm anh Tứ gặp nhiều khó khăn.

Nhóm thi công phải làm việc cật lực dưới áp lực khủng khiếp.

Anh Tứ kể: “Diện tích mặt bằng rất rộng, chúng tôi mất nhiều thời gian và nhân sự để cải tạo. Không gian này sẽ đón tiếp khoảng 1.000 khách mời đến từ nhiều quốc gia. 

Từ một kho gạo có nền cao, tường cũ kỹ, chúng tôi biến thành sân khấu tiệc cưới hoành tráng, đẳng cấp”.

Kho gạo 300 tấn được trải thảm hoàn toàn, lấp đầy bởi hoa tươi, thơm hương ngào ngạt.

Một bất ngờ khác mà anh Tứ có dịp chứng kiến trong quá trình làm việc là giá trị của hồi môn mà cô dâu được gia đình trao tặng.

“Tôi có quay lại cảnh trao của hồi môn trong đám cưới của con gái chủ vựa gạo. Theo đó, ba mẹ tặng cho cô dâu 1 chiếc xe Mercedes (100.000 USD), 1 cơ sở xuất khẩu gạo (10 triệu USD), giấy chứng nhận ngôi nhà ở TP.HCM (1 triệu USD), chiếc vòng 2 lượng vàng.

Chú rể người nước ngoài tặng cô dâu 200.000USD, nhẫn, vòng cổ, vòng tay, hoa tai… đều bằng kim cương. Bà nội của cô dâu cũng tặng cháu một chiếc nhẫn kim cương”, anh Tứ kể.

Nhóm của anh Tứ phải trang trí kho gạo thành khu vườn cổ tích với 2 tấn hoa.

Dù từng làm việc với nhiều khách hàng giàu có nhưng ở lần này, anh Tứ cảm thấy choáng ngợp trước độ giàu có và nể trọng đạo đức của gia đình cô dâu. Trong đó, mẹ của cô dâu là một phụ nữ tài năng, ăn chay trường, nhân hậu.

“Lúc đầu, mẹ cô dâu không đồng ý gả con gái đi xa. Thế nhưng, qua tiếp xúc, bà thấy con rể hiền lành nên chấp nhận hôn sự của con gái.

Trong quá trình làm việc tại đó, tôi tận mắt nhìn thấy cách đối xử ân cần, nhân ái của bà dành cho nhân viên và những người nghèo khó đến xin giúp đỡ”, anh Tứ nói với giọng nể phục.

Dưới bàn tay của thợ trang trí, kho gạo biến thành tiệc cưới lung linh.

Ảnh: Nhân vật cung cấp