Tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vừa diễn ra buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

image001.jpg

Cuốn sách 'Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật' vừa được ra mắt.

Nghệ thuật hát ả đào được cho là xuất hiện từ thời Lý, được biết đến nhiều nhất với tên gọi ca trù. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, ả đào muốn nói về một hình thức nghệ thuật còn ca trù là cách gọi tên một lối chơi có thưởng tiền. Vì thế, ả đào hàm chứa trong đó những gì sâu sắc nhất về văn hóa, phương thức tổ chức, cách ca hát của một loại hình nghệ thuật.

Cách gọi ả đào còn thể hiện sự tôn vinh với nữ giới bởi có lẽ không quốc gia nào sử dụng danh từ chỉ người ca nữ đặt tên cho một thể loại âm nhạc. Mỗi môi trường diễn xướng khác nhau lại sinh ra các tên gọi khác nhau như Hát cửa đình, Hát cửa đền trong tín ngưỡng thờ thần, Hát cửa quyền khi hát trong cung vua hay Hát nhà tơ trong tư dinh của quan lại…

image003.jpg
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và bà Trần Thị Hoài Phương Giám đốc Công ty CP Sách Omega Việt Nam.

Giải mã màn sương mù bí ẩn của tiền nhân

Từng nghe những nghệ nhân cao tuổi than phiền rằng kép đào ngày nay “đàn hát không đúng phách, không đúng khuôn khổ” nhưng “như thế nào là đúng?” thì không ai giải đáp. Chính nỗi băn khoăn ấy đã thôi thúc nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phục dựng một cách hoàn chỉnh hệ thống âm luật của loại hình âm nhạc 1000 năm tuổi này.

Thời gian đầu, công cuộc nghiên cứu “như bước vào hỏa mù, không biết đâu mà lần” vì nguồn tư liệu tản mát, không thống nhất. Các nghệ nhân cũng khó chia sẻ, một phần vì mặc cảm từng bị dèm pha, một phần vì “giấu nghề”  bởi theo như truyền thống, chỉ những ai thuộc “giáo phường” mới được truyền dạy các kỹ thuật.

May mắn trong một lần chấm thi hát ả đào, tác giả Bùi Trọng Hiền gặp nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và nhận ra ông là người có thể giúp cho công trình nghiên cứu được hoàn thành. Sau khi cụ Nguyễn Phú Đẹ qua đời, nhà nghiên cứu lại tự mày mò thông qua băng đĩa thu âm được mọi nơi gửi về. Thậm chí, ông phải làm việc liên tục từ 19h tối đến 6h sáng trong vòng 2 tuần để phục chế 10 cuốn băng bị mốc.

Càng đi sâu, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền càng thấy được sự phức tạp và hiểm hóc của hệ thống âm luật trong cung điệu, cách hát, cấu trúc của khổ phách, khổ trống, khổ đàn… đến mức ông phải thốt lên: “Đây đúng là cuộc chơi đùa âm thanh đỉnh cao của cổ nhân”. Nếu như người ta có thể dễ dàng bắt chước hát chèo, hát văn thì chỉ riêng tiếng đàn đáy trong ca trù đã rất khó tái hiện bởi người chơi đàn phải biết “nhấn” và “chùng” đúng lúc.

image005.jpg

Tác giả Bùi Trọng Hiền chỉ cho độc giả xem những tư liệu quý giá về hình thức hát ả đào.

Toàn bộ tri thức của hành trình 9 năm “đi tìm một mẫu mực cổ điển của Ả đào” đã được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đúc kết trong 7 chương của cuốn sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ thống âm luật.

GS. TS Đặng Hoành Loan khẳng định: “Đây là công trình nghiên cứu toàn diện nhất về nghệ thuật hát ả đào mà ở Việt Nam chưa ai làm được”. Tác phẩm không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa phi thật thể mà còn là căn cứ bài bản, chuẩn mực để đào tạo lớp nghệ sĩ sau này.

Ả đào trên sân khấu ngày nay

Sau một thời gian vắng bóng vì nhiều lý do, nghệ thuật hát ả đào vẫn không mất đi sức sống của mình. Hôm nay, loại hình nghệ thuật xuất hiện trên sân khấu buổi toạ đàm trong sự đón nhận của khán giả nhiều thế hệ.

image007.jpg
Các nghệ nhân thuộc CLB Ca trù Hải Phòng biểu diễn trên sân khấu của buổi tọa đàm.

Đặc biệt, buổi ra mắt còn có sự tham dự của Nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Nội, con gái kép đàn Đinh Khắc Ban - bậc danh cầm đã tạo nên lối diễn tấu hàng hoa tươi mới, đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của nhạc ả đào. Khi nghe tiết mục biểu diễn, bà Đinh Thị Nội vô cùng xúc động, bồi hồi nhớ lại hình ảnh người cha với dáng người nhỏ bé luôn đeo đàn để mang nghệ thuật hát cô đầu đi khắp nơi.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bộc bạch: “Mong muốn lớn nhất của tôi đối với thế hệ trẻ khi viết cuốn sách này là hãy chững lại, bình tĩnh lại, hãy thu mình lại để lắng nghe tổ tiên ngàn xưa nói gì.

Các bạn có thể thích nhiều loại nhạc hiện đại trên khắp thế giới. Cũng giống như món ăn, mỗi người có quyền lựa chọn mình ăn gì. Nhưng hãy thử thưởng thức lại ca trù. Vì tổ tiên ta không tạo ra nó trong một sớm một chiều mà đã mất cả nghìn năm đúc thành những giá trị âm luật kỹ vĩ. Vậy nên hãy thử lắng nghe, thử đọc, thử quan sát và tìm hiểu xem tại sao nó tồn tại đến tận ngày hôm nay”.

Minh Châu

(Ảnh: Omega Plus Books)