Trong thời gian qua, đã có liên tiếp các vụ cướp giật xảy ra đối với các tài xế taxi cũng như xe chạy dịch vụ. Điều này khiến nhiều người lái taxi, xe dịch vụ cảm thấy vô cùng hoang mang và lo sợ.

Mới đây, một vụ án tấn công tài xế taxi để cướp tài sản lại xảy ra tại khu vực phường Duyên Hải, TP Lào Cai vào đêm ngày 20/8. Rất may, vụ việc đã không có thương vong về người nhưng tài xế taxi vẫn bị thương ở vùng cổ khi chống trả quyết liệt với tên cướp.

Camera trên xe taxi ghi lại cảnh đối tượng dùng dao kề cổ người lái taxi ở Lào Cai.

Điều này một lần nữa lại khiến dư luận dấy lên vấn đề về bảo vệ tính mạng của các tài xế taxi và những người lái xe dịch vụ nhằm tránh các tình trạng cướp giật tài sàn sản và án mạng xảy ra.

Theo đó, những chiếc xe taxi, xe chạy dịch vụ cần lắp thêm các khung bảo vệ cho tài xế và các cơ quan hữu quan cần có những quy định để thiết bị này trở thành một trang bị bắt buộc. Đây thật sự là điều cần thiết và có thể sẽ được những người lái xe taxi và chạy xe dịch vụ ủng hộ.

Khung bảo vệ tài xế đã được nhiều quốc gia áp dụng

Hiện nay, nhiều hãng taxi trên thế giới đã áp dụng cách thức bảo vệ người lái bằng một bộ khung cứng bảo vệ nhằm tạo ra khoảng cách an toàn giữa người lái và hành khách nhằm tránh các tình trạng cướp giật tài sản và nguy hiểm hơn là sát hại tài xế.

Vách ngăn bằng mica đã được một số hãng taxi ở Hàn Quốc trang bị sau khi có nhiều vụ việc quấy rối xảy ra đối với tài xế nữ.

Tại các quốc gia như Úc, Hàn Quốc, những chiếc xe taxi được phép thêm khung mica trong suốt có lỗ hở nhỏ để giao tiếp với hành khách. Còn tại Trung Quốc, khung bảo vệ người lái bằng kim loại đã được lắp trên nhiều phương tiện phục vụ người dân từ xe buýt cho tới taxi.

Ở Mỹ, Chính phủ nước này còn hỗ trợ chi phí cho tài xế làm khung cứng cũng như gắn camera và GPS để giám sát trong trường hợp không may gặp tai nạn.

Một chiếc taxi tại Trung Quốc sử dụng khung inox để bảo vệ người lái.

Tại Việt Nam, tình trạng cướp tài sản đối với xe taxi cũng đang ngày một nhiều nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ một quy định cụ thể nào bắt buộc hoặc cho phép xe taxi hay xe chạy dịch vụ lắp thêm khung cứng bảo vệ.

Tại sao Việt Nam vẫn chưa áp dụng điều này?

Lý do các tài xế taxi và xe dịch vụ đưa ra là vì trang bị này không nằm trong thiết kế của xe và không thuộc phạm vi kỹ thuật của nhà sản xuất nên có nguy cơ bị từ chối đăng kiểm, thậm chí là bị phạt tiền.

Tuy nhiên, dựa theo các phân tích kỹ thuật, việc lắp khung bảo vệ cho người lái không làm thay đổi kết cấu, hình dáng hay nguyên lý làm việc của xe nên không vi phạm vào các điều luật mà nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan đăng kiểm.

Tấm vách ngăn tự chế của một tài xế taxi được làm sau vụ việc một lái xe bị cứa cổ thiệt mạng ở Mỹ Đình, Hà Nội. (Ảnh:FBNV)

Thế nhưng, do chưa có quy định cụ thể nên hầu hết các tài xế không biết quy cách và kích thước bộ khung đạt chuẩn như thế nào nên việc lắp khung bảo vệ lên xe chủ yếu là do tự đo đạc, làm theo cảm quan bằng mắt thường và mang tính tự phát theo nhu cầu cá nhân. 

Ngoài ra, việc lắp khung bảo vệ người lái cũng có thể gây ra khó khăn trong việc cứu hộ khi xe xảy ra tai nạn. Đôi khi các mảnh gẫy của bộ phận thép, inox hay mica lại trở thành thứ gây ra các chấn thương cho người lái và cả những hành khách xung quanh.

Từ đó có thể gây ra bất lợi trong vấn đề bồi thường bảo hiểm. Có thể vì nguyên nhân này mà các cơ quan hữu quan vẫn đang dừng lại ở việc nghiên cứu và cân nhắc về sự cấp thiết của việc lắp thêm khung bảo vệ cho tài xế xe taxi, xe dịch vụ.

Với nhiều lợi ích đem lại sự an toàn về tài sản cũng như tính mạng của người lái, thiết nghĩ yêu cầu lắp khung bảo vệ tài xế vẫn là điều nên làm và mong điều này sẽ trở thành quy định bắt buộc với những xe taxi và xe chạy dịch vụ.

Độc giả Đinh Minh Bình

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!