- Bỏ qua những ánh mắt hoài nghi của người đời, 1 cậu sinh viên nghèo, 1 cô bé học lớp 10, 1 phụ nữ bán sữa đậu nành… đã không ngại ngần giúp đỡ, cưu mang những con người cô đơn, bất hạnh khác dù cuộc sống của chính họ cũng còn rất nhiều khó khăn.

Cậu sinh viên nghèo cưu mang người tàn tật


Xem phim “Tình cha” phát trên VTV3 nhiều người đã phải ngưỡng mộ trước tấm lòng của nhân vật Lâu Chí Quân. Người đàn ông này đã lần lượt nhận nuôi 3 đứa trẻ dù anh bị bệnh nặng, nhà nghèo và đặc biệt, giữa họ không có quan hệ máu mủ. Người xem đã rất cảm động trước tấm lòng của người cha ấy nhưng ít ai ngờ rằng, trong đời thường cũng có những câu chuyện như thế, những con người có tấm lòng đẹp như những thước phim.

Chuyện về chàng sinh viên nghèo nuôi một người hàng xóm bị liệt toàn thân được nhiều người nhận xét là “1 câu chuyện cổ tích có thật”. Em là Hồ Công Danh (sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn), người đã tình nguyện chăm sóc anh Nguyễn Thanh Tùng (32 tuổi) ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Tùng và chú Danh trong căn phòng trọ. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Anh Tùng bị liệt người sau 1 lần bị ngã trong lúc leo cây. Không chỉ vậy, ba mẹ anh cũng dần dần bỏ con ra đi trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trước câu chuyện buồn của cuộc đời anh Tùng, Hồ Công Danh, cậu bé hàng xóm, đã tình nguyện chăm sóc cho anh Tùng nhiều năm nay. Được biết, gia đình Danh cũng rất hoàn cảnh, cha em tật nguyền lại có hai chị gái đang học ĐH, cuộc sống chỉ nhờ vào gánh rau quả mẹ bán ở chợ.

Từ năm học lớp 10, cậu bé Danh đã đỡ đần giúp anh Tùng các công việc từ ăn uống đến sinh hoạt như thay băng, thay thuốc, chăm sóc anh... Năm 2012, Danh trúng tuyển vào Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi đỗ đại học, chàng thanh niên có tấm lòng “bồ tát” này đã gói ghém ít tiền mẹ cho rồi vào Quy Nhơn “nhập học”. Điều đáng cảm phục là Danh đã quyết tâm đưa anh Tùng đi cùng để vừa học vừa chăm sóc cho con người tật nguyền này.

Gần tám năm nằm một chỗ, anh Tùng sống với cơ thể nặng khoảng 25kg thoi thóp với cuộc đời nhưng với nghị lực và lòng yêu thương của Danh, anh vẫn đang cố gắng từng ngày.

Câu chuyện đẹp về tình người này đã làm nhiều người đọc phải cảm động. “Buổi sáng mở bài báo, đọc được câu chuyện này thấy cuộc đời ý nghĩa hơn vì còn nhiều điều, nhiều người đáng để mình học hỏi. Rất ngưỡng mộ em, em trai”, một độc giả chia sẻ.

Chăm người già như mẹ ruột


Cũng như Danh, em Đoàn Thị Trinh (16 tuổi) xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đã khiến nhiều người phải cảm động vì nhiều năm nay tình nguyện chăm sóc cho một cụ già neo đơn.

Cụ là Phạm Thị Mân (93 tuổi, trú tại xã Mỹ Hiệp), chồng cụ Mân là liệt sĩ, 2 con của cụ cũng bị mất vì bệnh từ nhỏ. Trong ngôi nhà tình nghĩa chính quyền xây cho, cụ Mân sống một mình hương khói cho chồng con nhờ vào 180.000 đồng tiền trợ cấp mỗi tháng của nhà nước.

Thấy hoàn cảnh neo đơn của cụ, từ năm 2009, Trinh đã chăm sóc cụ. Trinh thường sang nhà cụ Mân đi chợ, nấu nước, làm cơm, giặt giũ, dọn nhà. Việc làm này của cô thiếu nữ đã khiến người đàn bà ở tuổi 93 này vui vẻ trở lại, quên bớt đi những đắng cay trong cuộc đời mình. Mặc dù không họ hàng thân thích, nhưng hơn 2 năm qua, ngày nào, Trinh cũng đến chăm sóc cụ Mân. Mỗi khi cụ đau ốm, em là người nấu, chăm từng muỗng cháo. Thuốc thang cho cụ, em cũng là người lo lắng.

Nhiều lúc, cụ Mân hết gạo, Trinh sẵn sàng chạy về nhà xin cha mẹ một ít đem đến nấu cơm. Để cải thiện bữa ăn, em còn giúp cụ nuôi mấy con gà, hái dừa đem ra chợ bán rồi đưa tiền cho cụ.

Không chỉ là cô gái có tấm lòng nhân hậu, Trinh còn có thành tích học tập rất tốt. Năm lớp 9 vừa rồi, Trường THCS Mỹ Hiệp đã tặng giấy khen cho hành động và tấm lòng bao dung của em.

Một cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời cũng may mắn gặp được người tốt là cụ Trương Ngữ Xảo (82 tuổi) ở chợ Nhật Tảo (Phường 4, Quận 10, TP.HCM). Cụ Xảo sống trên 1 sạp bán hàng ở chợ Nhật Tảo từ nhiều năm nay. Mỗi ngày 3 lần, 1 người đàn ông tên là Minh lại đưa cơm đến, kiên nhẫn đứng xúc từng muỗng bón cơm cho cụ Xảo. Ông còn giúp cụ gặt đồ, tắm gội cho cụ…

Nhiều năm nay ông Minh cần mẫn chăm sóc cụ Xảo (Ảnh: VietNamNet)

Toàn bộ chi phí trong việc nuôi nấng cụ Xảo đa phần do ông Minh cáng đáng. Việc làm của ông còn đáng cảm phục hơn bởi ông Minh còn cả một gánh nặng gia đình phải lo toan: cha già 90 tuổi, bà vợ ốm đau liên miên và 3 cô con gái.

Trước tấm lòng hiếm có này, bạn đọc Trần Thu Hà đã chia sẻ trên VietNamNet: “Đọc bài viết tôi xúc động đến trào nước mắt khi nhìn thấy được những tấm hình thật cảm động của ông Minh chăm sóc cụ Xảo. Cuộc đời này thật đẹp và giàu ý nghĩa vì có những con người nhân hậu như ông”.

Bán đậu nành nuôi "con tu hú
"

Chị Nguyễn Thị Út (phường 18, quận 4) một mình nuôi 2 con khôn lớn, học giỏi chỉ với gánh sữa đậu nành. Tuy nhiên, điều khiến mọi người phải ngỡ ngàng là 2 đứa con mà chị nuôi lại là con của… người khác.

Nhiều năm về trước, có người đàn bà đến nhà chị Út xin thuê phòng trọ, rồi một thời gian, người mẹ ruột bỏ lại đứa con ra đi. Chị Út bất đắc dĩ trở thành mẹ của 2 đứa trẻ.

Hàng ngày, bất kể mưa nắng chị Út vẫn quảy gánh sữa đậu nành đi bán, kiếm vài chục ngàn lo ba miệng ăn. Hai đứa trẻ được nuôi lớn bằng sữa đậu nành, cũng bằng gánh hàng rong này của mẹ nuôi, cả 2 đều được đến trường. Không phụ lòng chị Út, cả 2 đứa con chị nuôi đều học giỏi lại ngoan hiền.

Khi những đứa con đã lớn khôn, người mẹ ruột thỉnh thoảng tạt về thăm. Đã không một lời oán trách, mẹ Út còn khuyên hai con cảm thông cho hoàn cảnh mẹ ruột. Nhiều lần, mẹ Út bảo hai con có thể trở về với mẹ ruột nhưng những đứa con nuôi vẫn ở với chị, người mẹ không sinh thành nhưng có công nuôi dưỡng họ nên người.

Lê Hiếu (Tổng hợp)