Sau Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Đình Sao (SN 1985, Bí thư chi đoàn thôn Phúc Sơn, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bắt đầu công việc chăm sóc đàn lợn rừng để có hàng bán vào dịp cuối năm. Đàn lợn rừng 200 con mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình anh Sao hàng trăm triệu đồng. 

Để đạt được kết quả đó, anh Sao cho biết, công việc nuôi lợn rừng trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn và tốn không ít học phí.

z5314908374883 8a55c0f0fde0d21543cbbe3eac042832.jpg
Đàn lợn rừng của gia đình anh Sao phát triển tốt. Ảnh: TL

Cuối năm 2016, sau thời gian hơn 7 năm làm công nhân bánh kẹo tại tỉnh Bình Dương với đồng lương ít ỏi, anh Sao quyết tâm trở về quê hương Hà Tĩnh để lập nghiệp.

"Do ở Bình Dương quen với cuộc sống công nhân khá lâu, khi trở về quê, tôi thấy bỡ ngỡ, khó thích nghi. Tôi có cảm giác mình như "gà mờ" nhưng rồi nghĩ rằng bản thân phải quyết tâm chứ không thể quay lại Bình Dương để tiếp tục với cuộc sống công nhân mãi được", anh Sao nói.

Nghĩ là làm, anh Sao đi khắp các tỉnh miền Bắc để học hỏi các mô hình kinh tế nông nghiệp. Quá trình học hỏi, anh Sao nhận thấy nhu cầu thưởng thức thịt lợn rừng đang là xu thế.

"Nghề nuôi lợn rừng rất mới mẻ, tôi thấy có hứng thú. Dịp Tết, người dân thường có nhu cầu thưởng thức lợn rừng, cúng đầu lợn rừng nên tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với mô hình chăm sóc con vật này", anh Sao nhớ lại.

z5314908440941 96ec0f69fda79fce50c9e7e2f70974e3.jpg
Anh Sao tự trồng cỏ trong vườn để đảm bảo nguồn thức ăn cho lợn. Ảnh: TL

Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều tỉnh, thành, anh Sao bắt tay vào công việc thiết kế chuồng trại và "bén duyên" với nghề nuôi lợn rừng. Năm 2017, ngoài khoản tiền vốn vay mượn từ người thân 100 triệu đồng, anh Sao thế chấp ngân hàng bìa đất của gia đình để vay 200 triệu đồng đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn rừng.

Với đồng vốn khá ít ỏi, mô hình nuôi lợn rừng của anh Sao bắt đầu bằng việc nuôi 12 con lợn giống (gồm 1 con đực và 10 con cái). Song việc thử nghiệm nuôi ban đầu gặp nhiều khó khăn. Do chưa quen cách chọn giống và chăm sóc, đàn lợn nhập về nuôi có hơn 50% con giống dính dịch rồi chết dần. Anh Sao còn bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc, phải nằm viện trong thời gian dài.

Không bỏ cuộc giữa chừng, sau lần va vấp, anh Sao đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm nên quyết tâm phát triển đàn lợn rừng. 

"Nuôi lợn rừng phải đặc biệt chú ý đến giai đoạn lợn còn nhỏ (từ 5-6 kg). Lúc này, sức đề kháng của con nuôi còn khá yếu, do đó cần cho ăn phù hợp. Ngoài ra, người nuôi nên sưởi ấm cho lợn vào mùa đông và tiêm phòng đầy đủ để tránh dịch bệnh. Khi lợn rừng đạt từ 7kg trở lên thì khá dễ nuôi và ít bệnh vặt hơn”, anh Sao nói.

z5314908470273-351fb527a7ca19895f3fe05a958bb1ed.jpg
Nuôi lợn rừng phải kỹ từ khâu lựa chọn con giống. Ảnh: TL

Cũng theo anh Sao, nghề chăn nuôi lợn rừng là việc "bỏ công làm lãi" bởi chỉ xuất được một lứa/năm. Lợn rừng chỉ ăn thức ăn chủ yếu như ngô, cỏ, rau chuối... khác với lợn thịt thông thường. Lợn này không dùng thức ăn chăn nuôi nên nên chậm lớn hơn. Ngoài ra, hàng ngày phải dọn phân thủ công nên mất rất nhiều thời gian. "Tôi tận dụng đất trong vườn để trồng cỏ voi, làm thức ăn cho lợn nên thịt của lợn thơm, ngon và đảm bảo sạch", anh nói.

Đến nay, trang trại nuôi lợn rừng của anh Sao rộng 1.200m2, nuôi khoảng 200 con lợn rừng.

Ngoài lợn, anh Sao còn dành 200m2 nuôi hơn 1.000 con gà, hơn 100m2 đất còn lại trồng rau cỏ, tự chủ nguồn thức ăn cho gia súc.

z5314912480439 882d86760b531cfed9aa7da2946cac83.jpg
Mô hình nuôi lợn rừng giúp anh Sao có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Ảnh: TL
z5314908394414 f2ad20ef7235eb7eb80926962f6de225.jpg
Ngoài chăn nuôi lợn, anh Sao còn nuôi thêm gà. Mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con. Ảnh: TL

Mỗi năm, trang trại của anh Sao cung ứng ra thị trường ở Hà Tĩnh và các tỉnh khác khoảng 100 con lợn rừng. Mỗi con nặng từ 25-30kg, được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg.

Ngoài ra, mỗi năm anh xuất bán gần 1.000 con gà, cân nặng từ 2 kg/con (giá 80-90 nghìn đồng/kg). Qua đó, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh Sao cho biết, thời gian tới, anh có dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại, đồng thời kết hợp thêm mô hình kinh tế khác để tăng thêm thu nhập.

Lãnh đạo UBND xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết địa phương có nhiều mô hình phát triển kinh tế song nuôi lợn rừng của gia đình anh Sao là mô hình đầu tiên. Mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Sao được đánh giá khá táo bạo, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao.