Mới đây, câu chuyện nộp giấy vụn triển khai Kế hoạch nhỏ tại một trường THCS (ở Hoàng Mai, Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói là khi triển khai Kế hoạch nhỏ, cô giáo yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất. Học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu gọi phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50 nghìn/kg giấy.

Vụ việc gây nhiều ý kiến trái chiều. Đa số phụ huynh thừa nhận, phong trào Kế hoạch nhỏ mang ý nghĩa giáo dục về tinh thần tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, khi triển khai, một số trường giao định mức cho các lớp, vô tình khiến phong trào trở thành nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh.

Gia đình anh Trần Văn Mạnh (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi con thực hiện Kế hoạch nhỏ. Con anh đang học lớp 2 tại một trường tiểu học tại Hà Nội. Mới đây, giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh về thực hiện kế hoạch nhỏ của trường. Theo đó, mỗi học sinh đóng góp 50 vỏ lon bia hoặc chai nhựa các loại.

"Khổ nỗi, tôi bị trào ngược dạ dày nên không uống bia, rượu ở nhà bao giờ. Thi thoảng, anh em, bạn bè rủ ra quán cũng chỉ uống 1-2 cốc góp vui. Vì vậy, chúng tôi không biết tìm đâu ra 50 vỏ lon bia hoặc chai nhựa để con thực hiện Kế hoạch nhỏ. 

Vợ chồng tôi lục lọi khắp nhà, hỏi xin hàng xóm nhưng cũng chỉ gom được có 20 vỏ lon bia và vỏ chai nhựa, còn thiếu tận 30 chiếc”, anh Mạnh cho hay. 

Nam phụ huynh này cũng cho biết, không thu gom đủ để nộp kế hoạch nhỏ nên con trai anh buồn rười rượi vì lo ngày mai tới lớp, cô giáo sẽ bêu tên những bạn không hoàn thành chỉ tiêu.

“Tôi gợi ý con mang tiền tới nộp cho cô, bù vào chỗ còn thiếu kia nhưng con không chịu. Con nói cô không nhận tiền mà chỉ nhận phế liệu.

Thực sự, tôi thấy rằng, phong trào thu gom giấy vụn, vỏ lon, vỏ chai nhựa... để dạy cho các con thói quen tiết kiệm và gọn gàng là rất ý nghĩa nhưng đưa ra định mức cho học sinh, chạy đua thành tích đã vô tình tạo áp lực không hề nhỏ cho các con và phụ huynh.

Bởi lẽ, trong thời điểm hiện tại, thói quen sử dụng đồ dùng của người dân cũng có nhiều thay đổi, có những nhà không uống bia lấy đâu ra vỏ lon mà nộp?”, anh Mạnh chất vấn.

Cũng theo anh Mạnh, nhà trường cần có những yêu cầu thực hiện Kế hoạch nhỏ thiết thực hơn. "Ví dụ, hiện Nhà nước đã có các quy định về cấm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, ô tô. Theo đó, nhiều gia đình đã hạn chế sử dụng bia rượu, tại sao lại khuyến khích các con đi tìm, thu gom vỏ lon bia?", anh nói.

Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trường con chị một năm tổ chức 2 lần thực hiện kế hoạch nhỏ là thu gom giấy vụn. Tuy nhiên, nhà chật nên hễ có giấy vụn, chị mang hết cho mấy người buôn đồng nát.

"Có phải lúc nào cũng có sẵn mấy cân giấy để nộp Kế hoạch nhỏ đâu? Tôi sợ nhất là mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo còn đem thành tích nộp kế hoạch nhỏ của bạn này, bạn kia ra để so sánh khiến tôi rất áp lực. Lần sau nữa, nhà trường phát động Kế hoạch nhỏ, tôi phải đi mua giấy vụn về cho con nộp. Hai mẹ con khệ nệ đưa 5kg giấy vụn tới trường trong cảnh mướt mồ hôi mà thấy sợ”, chị Hà nói.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ hoàn toàn ủng hộ ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn của chương trình Kế hoạch nhỏ. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa và trên tinh thần tự nguyện, tức là các em có bao nhiêu góp bấy nhiêu, chứ không phải cuống cuồng đi xin hay bố mẹ phải bỏ tiền ra mua để mang tới nộp.

Phụ huynh cũng mong muốn các trường xem lại cách làm để phong trào Kế hoạch nhỏ giữ được ý nghĩa nhân văn thay vì việc chạy theo thành tích và tạo áp lực cho phụ huynh cũng như học sinh.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Các ý kiến đóng góp xin gửi vào phản hồi dưới bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được chọn đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn!