Ông N.V.T (62 tuổi, quê Hưng Yên) thường xuyên đau tức vùng thượng vị. Khi cơ thể sụt cân kèm theo tình trạng buồn nôn, ông vào Bệnh viện K (Hà Nội) kiểm tra. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u dạ dày, sinh thiết là ung thư, được chỉ định mổ. Gia đình xin về nhà 3 ngày để chuẩn bị.

Trong suốt thời gian đó, vợ con ông T. tìm tới các thầy bói, thầy cúng để giải hạn, cầu cúng với hy vọng bệnh nhẹ. Ngày nhập viện, bệnh nhân được làm thủ tục chiếu chụp và các xét nghiệm cần thiết khác và chờ lên bàn mổ.

Buổi sáng, khi bác sĩ tư vấn trước mổ, người thân của bệnh nhân lại vào xin hoãn bởi "đã xem ngày giờ nhưng sớm nay đột nhiên thầy cúng bấm lại lịch báo giờ xấu, mổ có thể sẽ chết". Do đó, gia đình lo lắng nên xin thay đổi lịch mổ và chờ ngày đẹp.

Sau khi được các bác sĩ đã giải thích và tư vấn tâm lý, người bệnh đồng ý mổ dù gia đình còn lo lắng. Ca mổ kéo dài 2,5 tiếng thành công. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 53 tuổi, đến phòng khám Tiêu hóa, Bệnh viện K, và được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày đang tiến triển rất nhanh. Ung thư đã di căn nhiều nơi trong gan và ổ bụng. Đặc biệt, bệnh nhân phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn rất sớm từ 4 năm trước. Thời điểm đó, bác sĩ tư vấn và khuyên ông nên phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối vì sợ động dao kéo. Gia đình cũng đi xem bói và được "thầy phán không phải bệnh nan y". Do đó, bệnh nhân đã từ chối phẫu thuật vì “cảm thấy vẫn khỏe” và “không có biểu hiện gì”. 

Hai năm sau, bệnh nhân đau và khó chịu nhiều chấp nhận phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không điều trị hóa chất và tái khám lại định kỳ theo hẹn. Hai năm sau, tình trạng bệnh ung thư đã tiến triển.

bs thanh.png
Bác sĩ Lê Văn Thành khám cho người bệnh. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại tiêu hóa trên, Bệnh viện K, ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp. Bệnh đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong trong số các ung thư. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, nhất là khi ung thư ở giai đoạn tại chỗ hoặc giai đoạn khu trú.

Theo dõi một số nhóm dành cho bệnh nhân ung thư trên mạng xã hội, bác sĩ Thành sửng sốt khi thấy những bài đăng, bình luận, chia sẻ về việc “chữa khỏi” ung thư bằng các phương pháp không chính thống như thực dưỡng, năng lượng gốc, thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc… xuất hiện với tần suất dày đặc. Trong đó còn có sự xuất hiện của rất nhiều thầy cúng, thầy bói.

Vị bác sĩ này nhận định khi mắc ung thư, bệnh nhân và người nhà đều rơi vào tình trạng hoang mang nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy. Kết quả là tiền mất, tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

"Thậm chí, có người còn khẳng định mổ giờ xấu bệnh nhân sẽ tử vong. Đến nay người bệnh vẫn khỏe mạnh sau 5 năm. Còn trường hợp khác, gia đình về cầu cúng, chữa thuốc nam chỉ 4 ngày rời Bệnh viện K đã tử vong", bác sĩ Thành chia sẻ. Do đó, ngoài công việc chuyên môn, các bác sĩ ung thư còn phải đấu tranh chống lại những biện pháp điều trị phản khoa học hay những lời "phán" vô căn cứ từ thầy lang, thầy cúng, thầy bói.