Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) được xây dựng trên diện tích hơn 19.000m2 gồm khu nhà chính 7 gian là không gian trưng bày triển lãm. 

Hai bên là hai ngôi nhà 5 gian làm không gian chế tác, trải nghiệm và dịch vụ. 

Không gian tiền sảnh dự kiến hàng tháng tổ chức 4 buổi trình diễn loại hình nghệ thuật dân gian như: múa rối nước, hát trống quân, trình diễn ca trù, quan họ...

Khuôn viên bên ngoài ngôi nhà chính, nơi trưng bày tranh và các hiện vật tượng trưng.

Khánh thành từ tháng 2/2023, trung tâm cũng được xác định là nơi tổ chức những hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn về di sản và là địa điểm để các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ sau.

Gian chính của trung tâm trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật nói về giá trị, đặc trưng độc đáo của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. 

Thông qua các hiện vật, hình ảnh, sơ đồ, câu trích, người xem có thể nắm được gốc tích của một nghề truyền thống nổi tiếng thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. 

Đặc điểm của tranh Đông Hồ với các ý nghĩa sâu xa như sắc vàng của cánh đồng lúa đương chín tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh thẳm của lũy tre làng, màu đỏ thẫm của chiếc yếm đào, màu đen của chiếc váy lĩnh giữa mùa quan họ…. Ngoài ra, những bức tranh Thần Tài, ông Táo, Tử Vi Trấn Trạch... thể hiện sự tôn thờ với các vị thần linh đã giúp đỡ cho cuộc sống của người dân.

Tranh Đông Hồ được yêu thích và luôn chứng minh được sức hút của mình qua bao thế hệ con người Việt Nam. Nét vẽ giản dị, khoáng đạt không quá cầu kỳ về chi tiết nhưng vẫn thể hiện được những gì thân thương và bình dị, mộc mạc và gần gũi, gắn liền với văn hóa người Việt. Đáng chú ý ở đây là bức họa Hưng Đạo Vương của tác giả Nguyễn Hữu Quả, được treo ở vị trí dễ quan sát. 

Với tổng mức đầu tư trên 45,2 tỷ đồng, công trình này còn trở thành sân chơi, tập thể dục, hoạt động chung cho người dân trong làng.