Thời gian áp dụng từ 1/8/2022. Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau năm 2021 khi thử nghiệm miễn phí tham quan bức tranh panorama "Trận chiến Điện Biên Phủ", bảo tàng sẽ chính thức thu phí để đảm bảo chi phí vận hành.

Các đối tượng sẽ được miễn phí vé tham quan như: Cựu chiến binh, người dưới 18 tuổi, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đi thực tế. Người cao tuổi trên 60 sẽ được giảm 50% giá vé, đồng bào, nhân dân Điện Biên được miễn phí 7 ngày trong dịp lễ, Tết. Giá vé này sẽ tính theo lộ trình 3-5 năm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ được khắc họa sinh động qua tranh tường Điện Biên Phủ.

"Trước đây khi chưa có bức tranh panorama "Trận chiến Điện Biên Phủ" thì giá vé là 25 nghìn đồng. Mức giá hiện tại tăng thêm 75 nghìn đồng này do các cơ quan đề xuất sau khi khảo sát, tính toán chi phí vận hành. Riêng bức tranh panorama đã hơn 50 tỷ đồng đầu tư và chi phí vận hành, bảo dưỡng mỗi năm lên tới khoảng 2 tỷ đồng. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang trong lộ trình được hiện đại hóa.

Theo khảo sát, chúng tôi chỉ thu vé được khoảng 1/3 số lượng khách đến tham quan bảo tàng. Mức thu này chủ yếu nhắm vào du khách. Sau một năm phục vụ miễn phí, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến nhiều công ty du lịch, mức giá 100 nghìn đồng được cho là hợp lý”, bà Nga nói với VietNamNet.

Bà Nga nói thêm, khi khách đến tham quan Bảo tàng sẽ được tra cứu thông tin với các thiết bị hiện đại. "Chúng tôi chuẩn bị đầu tư làm phim 3D về chiến thắng Điện Biên Phủ, một bộ phim về đất và người Điện Biên ngày nay. Ngoài ra Bảo tàng còn có các ứng dụng cho khách trải nghiệm, tương tác khác”, bà Nga cho biết.

Khách tham quan Bảo tàng. 

Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Người chủ trì tác phẩm là ông Nguyễn Văn Mạc cùng với các cộng sự dành ra khoảng hơn 1.200 ngày, trong đó hơn 500 ngày vẽ phác thảo và khoảng hơn 750 ngày vẽ chính thức ngay tại Điện Biên. Bố cục của tác phẩm hình tròn, dài 132 m, cao 20,5 m, đường kính 42 m với tổng diện tích là 3.225m², tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật.

Bức tranh gồm 4 trường đoạn.

Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận”: là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch; hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ… được tái hiện hết sức sinh động và chân thật.

Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”: với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp đồng thời cổ vũ các chiến sĩ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo.

Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”: với những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1.

Trường đoạn 4 “Chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.