Các nhà điều hành kinh tế đang cân nhắc, chần chừ tăng giá điện. Điều này có thể hiểu được khi doanh nghiệp và người dân đang chịu “tác động kép” của suy giảm kinh tế cả ở trong nước lẫn thị trường quốc tế.

“Tăng giá điện là một quyết định rất khó khăn vì nó tác động tới toàn xã hội và nền kinh tế”, chuyên gia Trần Đình Thiên nhận xét.

Trong 4 năm kể từ đầu 2019 đến đầu năm nay, giá điện được giữ nguyên bất chấp giá đầu vào biến động như thế nào. Đó là giai đoạn đặc biệt, khi nền kinh tế đóng cửa do đại dịch, doanh nghiệp và người dân phải hoạt động cầm chừng và gặp vô vàn khó khăn.

Nhìn rộng ra, nhận xét của ông Thiên là xác đáng trong bối cảnh Việt Nam, khi thu nhập đầu người còn ở mức trung bình thấp, và giá điện phải duy trì ở mức rẻ để vừa hỗ trợ cho người dân, vừa tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI.

Trong một lần phỏng vấn với người viết bài này, ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, giải thích vì sao giá điện ở Việt Nam thấp bậc nhất thế giới: Việt Nam phải cố giữ giá điện rẻ “vì dân” và để thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, ông Nê, một trong những cây đại thụ của ngành năng lượng ở nước ta, nói đi nói lại một ý rằng, điện luôn luôn phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Đó là điều cốt lõi tuyệt đối, làm gì thì làm cũng phải nhớ điều đó”, ông nói thiết tha.

dự án phát điện EVN.jpg
Mỗi năm cần hàng chục tỷ đô la đầu tư vào ngành điện. Ảnh VNN

Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp trong ngành điện đang lỗ nặng, nhiều dự án thậm chí đối diện với vấn đề thanh khoản.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ nay.

Điều này được thể hiện rất rõ trong một báo cáo của Bộ Công Thương: Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Sơn La giảm 25,8%; Hà Giang giảm 19,8%; Quảng Nam giảm 19,7%; Lai Châu giảm 18,5%; Điện Biên giảm 17,5%; Lào Cai giảm 12,2%. Đó là mức giảm khó tưởng tượng được.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đánh giá: Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Giá nhiên liệu trong các tháng vừa qua vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021. Giá than nhập tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021; giá dầu tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.

Giá nhiên liệu tăng cao làm cho giá thành sản xuất điện từ nguồn nhiệt điện than và khí tăng rất cao vốn chiếm tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.

Trong khi đó, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, nên những biến động của giá thành khâu phát điện sẽ ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.

Ngoài ra, hơn 21 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được đưa vào vận hành từ tháng 6 năm 2023 với giá bán lẻ điện bình quân cập tăng so với phương án giá điện cơ sở.

Bộ Công thương cho biết, giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

“Nếu không tăng giá điện để bù đắp chi phí và giữ giá điện ở mức rẻ nhất thế giới như hiện nay, chúng ta chỉ khuyến khích doanh nghiệp FDI tiêu tốn năng lượng và tiêu xài điện vô tội vạ. Như vậy thì không một ai dám đầu tư, kể cả Nhà nước”, ông Thiên nói.

Tinh thần tôn trọng quy luật thị trường đã được nêu trong nhiều nghị quyết và luật pháp.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nêu: “Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.

Còn Luật giá quy định: Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá (Điều 11) và  Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ (Điều 20).

Tinh thần này cần được đưa vào triển khai trong thị trường điện để góp phần thực hiện Quy hoạch Điện VIII với những mục tiêu rất cao: tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện gió trên bờ là 21.880 MW; tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW.

Muốn phát triển nhanh, bền vững “đi trước một bước” thì phải thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào ngành điện chứ chưa nói đến các doanh nghiệp đang trên sân chơi hiện nay.

Nhưng, điều quan trọng nhất là cần phải quan tâm đến dân nghèo. Chính phủ cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%. Cần hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp các hộ gia đình này và thậm chí nhiều hộ gia đình khác nữa bằng nhiều cách để “không ại bị bỏ lại phía sau”.

Đó mới là bài toán vĩ mô cần phải giải sớm để ai cũng có cơ hội phát triển.

Tư Giang

Tăng giá điện nhưng cần công khai, minh bạchTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị tăng giá điện đang trở thành chủ đề quan tâm rất lớn trong cộng đồng. Liệu việc tăng giá điện có công khai và minh bạch hay không?