Bộ Đại học Malaysia vừa ra thông báo cấm các đại học công lập của nước này sử dụng tiền tài trợ từ ngân sách nhà nước để trả phí đăng bài báo trên tất cả các tạp chí thuộc ba nhà xuất bản MDPI, Hindawi và Frontiers.

Được biết, đây là các tạp chí truy cập mở, nghĩa là tất cả độc giả đều có thể tải xuống miễn phí nhưng tác giả phải trả một khoản phí không hề rẻ.

Quyết định này được đưa ra do những quan ngại đặc biệt về liêm chính học thuật cũng như về vấn đề đứng tên tác giả trong các bài báo và công trình nghiên cứu tại nước này.

Bài báo đăng trên tất cả các tạp chí thuộc ba nhà xuất bản MDPI, Hindawi và Frontiers sẽ không được tính khi đánh giá năng lực và thành tích nghiên cứu của giảng viên.

Bên cạnh đó, Bộ Đại học Malaysia thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm kiểm soát việc công bố trên các “tạp chí săn mồi”, tạp chí kém chất lượng để nâng cao chất lượng, đạo đức học thuật và bảo vệ uy tín các cơ sở giáo dục cũng như danh tiếng của quốc gia.

"Tạp chí săn mồi" (Predatory journals) đề cập đến các thực thể khai thác mô hình xuất bản truy cập mở để thu lợi tài chính mà không cung cấp các dịch vụ xuất bản và biên tập theo chuẩn học thuật hợp pháp. 

Đây là những tạp chí giả danh những tạp chí khoa học và chuyên xuất bản những bài báo kém chất lượng để hòng lấy tiền những tác giả non trẻ. Những tạp chí này không thuộc bất cứ một hiệp hội khoa học nào, và cũng không có cơ chế bình duyệt bài báo nghiên cứu nghiêm chỉnh.

Những nhà xuất bản này thường tham gia vào các hoạt động lừa đảo hoặc phi đạo đức để thu lợi từ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người mong muốn xuất bản tác phẩm của họ.

Số liệu năm 2014 cho thấy trên thế giới có hơn 12.000 “tạp chí săn mồi”, và công bố hơn 400.000 bài báo/năm với thị trường hơn 74 triệu USD.

Trước đó, tháng 1/2023, ĐH Công thương Chiết Giang ở Hàng Châu (Trung Quốc) tuyên bố sẽ không công nhận các bài báo đăng trên các tạp chí MDPI, Frontiers và Hindawi khi đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nghiên cứu.

“Theo biểu quyết tập thể của Ủy ban Học thuật của Trường, từ năm 2023, các bài báo trên tạp chí do các nhà xuất bản Hindawi, MDPI và Frontiers xuất bản sẽ không được đưa vào thống kê/đánh giá hiệu suất nghiên cứu”, theo thông báo của trường.

Trong khi đó, 35 tạp chí từ một số nhà xuất bản gần đây đã bị Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc “gắn cờ đỏ” vào năm 2021. Nhà xuất bản MDPI vẫn đứng đầu danh sách với 7 tạp chí, theo sau là các nhà xuất bản Hindawi (5 tạp chí), Wiley (3 tạp chí) và Frontiers (3 tạp chí). 

Điều đáng chú ý là một số tạp chí này được tập đoàn phân tích dữ liệu Clarivate Analytics xếp hạng cao trong tứ phân vị Q1 (bao gồm 25% tạp chí hàng đầu trong một lĩnh vực cụ thể dựa trên Hệ số tác động (Impact factor) và Q2 (các tạp chí được xếp hạng từ phần trăm thứ 26 đến thứ 50 dựa trên Hệ số Tác động).

Các nhà xuất bản này tính phí xử lý bài viết (APC) rất cao từ các tác giả để bài viết của họ được chấp nhận một cách nhanh chóng. Vì tốc độ nhanh và mức độ dễ dãi, các tạp chí của các nhà xuất bản này rất được các học giả có tiềm lực tài chính ưa chuộng. 

Được biết, vào tháng 8/2018, 10 biên tập viên cấp cao (bao gồm cả tổng biên tập) của tạp chí MDPI Nutrients đã từ chức. Những người này cáo buộc rằng MDPI thay thế tổng biên tập vì tiêu chuẩn biên tập cao của ông và ông không đồng ý việc chấp nhận bản thảo có chất lượng kém. MDPI, sau đó, đã được liệt vào danh sách các công ty xuất bản truy cập mở “săn mồi”.

1. NXB MDPI có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ và được thành lập bởi Shu-Kun Lin vào năm 1996. MDPI định hướng phát triển trở thành một trong những nhà xuất bản truy cập mở lớn nhất trên toàn cầu.

2. NXB Frontiers được thành lập bởi Kamila và Henry Markram vào năm 2007. Công ty có trụ sở chính tại Lausanne, Thụy Sĩ và có văn phòng ở nhiều quốc gia. Frontiers nhấn mạnh vào khoa học mở và nghiên cứu hợp tác.

3. NXB Hindawi được thành lập vào năm 1997 tại Cairo, Ai Cập. Hindawi đã phát triển để trở thành một trong những nhà xuất bản truy cập mở lớn nhất trên toàn thế giới, với danh mục đa dạng các tạp chí học thuật bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Hindawi đã có sự hiện diện toàn cầu với văn phòng ở một số quốc gia.

Các nhà xuất bản này đã đóng những vai trò nhất định trong phong trào kêu gọi mở truy cập với các xuất bản, góp phần vào khả năng tiếp cận và phổ biến nghiên cứu học thuật trên quy mô toàn cầu.

Tử Huy