Những bệnh nhân này tìm đến bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, hồi đầu tháng 6.

Chia sẻ với bác sĩ, họ cho biết cùng nhau đi làm đẹp ở spa 2 năm trước, tốn mấy chục triệu cho ba người. Người thực hiện thủ thuật nói với họ là tiêm filler

Gần một năm sau khi tiêm, các biến chứng bắt đầu xuất hiện. Với người tiêm vào dái tai, biến chứng gây chảy mủ, dịch nhưng suốt 1 năm trời chị chỉ uống kháng sinh, rửa tai để mong hết viêm nhưng không nạo hết chất được tiêm vào nên không giải quyết tận gốc nguyên nhân. Trường hợp này được chẩn đoán nhiễm trùng gây áp-xe vùng dái tai sau tiêm chất làm đầy, đã được các bác sĩ chích rạch ổ áp-xe, rửa vết thương và chăm sóc vết thương tại chỗ tích cực.

Đối với bệnh nhân tiêm làm đầy mu bàn tay, sau gần 1 năm thấy tay nổi cục, đầy u hạt, phồng mu bàn tay, gây ngứa ngáy khó chịu. Chị cào gãi rất nhiều gây trầy xước, hơ lửa suốt hơn 1 năm trời, nhưng không đỡ mới đi viện. Bệnh nhân được tiêm thuốc thuốc giải HA (Hyaluronidase) và tiêm thuốc tiêu xơ.

Hai trường hợp biến chứng sau tiêm chất làm đầy vào bàn tay và dái tai 

Riêng bệnh nhân tiêm làm đầy ngực gần đây mới xuất hiện triệu chứng sưng, viêm ở ngực. Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương tiến hành siêu âm, chụp MRI cho bệnh nhân, kết quả phát hiện nhiều khối lan tỏa toàn bộ ngực. Dù vậy, thầy thuốc không rõ bệnh nhân được tiêm filler loại trôi nổi nào vì tiêm thuốc tan không giải được chất làm đầy. 

Bệnh nhân được kê kháng sinh đường uống và theo dõi. Nếu khối viêm không tiêu, ngực vẫn sưng đau, có nhiễm trùng thì bệnh nhân buộc phải chích rạch, tháo mủ. Với bên còn lại, thầy thuốc sẽ phải bóc tách các khối chất làm đầy đã lan tỏa. Ca mổ sẽ rất phức tạp, để lại tổn thương nặng nề cấu trúc ngực cho bệnh nhân.

"Đến nay cả 3 chị em bệnh nhân và thầy thuốc đều không biết họ đã được tiêm chính xác là chất gì", bác sĩ Quân cho biết.  

Theo vị bác sĩ, cứ vài tuần, Bệnh viện Da liễu Trung ương lại gặp một vài ca bị biến chứng từ nhẹ đến nặng do tiêm filler.

Chất tiêm làm đầy hiện được sử dụng chủ yếu là HA (Hyaluronic acid), để sửa chữa những khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm… Filler sẽ làm đầy hõm tự nhiên trên cơ thể để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn, cải thiện làn da bị lão hóa.

Bác sĩ Quân cho hay với filler chính hãng, một đơn vị ml rẻ nhất có giá 1 triệu đồng, trung bình có giá khoảng 3-5 triệu/ml filler chưa tính công tiêm. Trong khi đó, một số spa quảng cáo cả công tiêm có 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một lần thủ thuật thì không thể bảo đảm sản phẩm có chất lượng.