Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong tuần 35 cả nước ghi nhận 4.375 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk. So với tuần trước, số ca mắc giảm 8,4%. Trong đó, số ca nhập viện là 3.341/1, so với tuần trước giảm 8,7%.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Type virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: BVCC. 

Sốt xuất huyết là bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Trao đổi với VietNamNet, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết virus gây sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với type virus nào chỉ có khả năng tạo miễn dịch với type virus đó. Vì vậy, người sống ở khu vực lưu hành dịch có thể mắc 3-4 lần trong đời. Thông thường, triệu chứng sẽ nặng hơn khi tái mắc vì cơ thể đã có sẵn loại huyết thanh virus nay lại nhiễm một loại huyết thanh virus khác.

Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết là 3-6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ vùng đau thắt lưng, chân. Một số trường hợp có thể kèm dấu hiệu đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Từ ngày 3 đến ngày thứ 8 hết giai đoạn sốt, bệnh nhân thường kèm biểu hiện có chấm xuất huyết dưới da và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt, người bệnh thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số ca mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.