Báo VietNamNet điểm lại top 10 sự kiện nổi bật nhất thế giới trong năm 2023 như sau:

Tháng 6/2023, 16 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Kiev đã phát động chiến dịch phản công với hy vọng có thể phá vỡ sự kiểm soát của các lực lượng Moscow ở miền đông đất nước và tiếp cận bán đảo Crưm trong vòng 60 - 90 ngày. Động thái diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây rót hàng tỷ USD viện trợ an ninh, chuyển giao vũ khí mạnh hơn, giúp huấn luyện binh sĩ cho Ukraine, đồng thời áp hàng loạt biện pháp trừng phạt mới chống Nga. 

Tuy nhiên, các nỗ lực phản kích này dường như không gây ảnh hưởng nhiều đến tuyến phòng thủ sâu của quân Nga và chiến tuyến hầu như không dịch chuyển. Đầu tháng 11, vị tướng hàng đầu Ukraine mô tả tình trạng giao tranh “bế tắc” và thừa nhận “nhiều khả năng sẽ không có đột phá lớn”. Trong khi đó, “sự mệt mỏi vì xung đột Ukraine” đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, đặc biệt khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ ngần ngại gửi thêm viện trợ cho Kiev. 

Với các xu hướng dài hạn có thể có lợi cho Nga, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Ukraine chuyển từ tấn công sang phòng thủ và tìm kiếm lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, hai bên hiện vẫn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Đối đầu dai dẳng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, chính trị và kinh tế toàn cầu.

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine sẽ tiếp tục phản công dù không có Mỹ, tỷ phú Elon Musk góp ý cho Kiev

Xung đột Nga - Ukraine sẽ thế nào vào mùa đông?

Ngày 7/10, các tay súng thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ của Israel, khiến gần 1.400 người Do Thái thiệt mạng và khoảng 240 người khác bị bắt giữ làm con tin. Quân đội Israel ngay sau đó đã xúc tiến chiến dịch không kích và tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm đáp trả Hamas, khiến gần 21.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 54.000 người khác bị thương tính tới nay. 

Sự bao vây, phong tỏa cùng các cuộc oanh tạc dữ dội của quân Israel đã đẩy vùng đất này rơi vào khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và khiến 90% trong số 2,3 triệu cư dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc sáng 1/12. 

Liên Hợp Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc Tổng thư ký Antonio Guterres ngày 6/12 kích hoạt Điều 99 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc giục 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an ra tay ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza. Đại hội đồng LHQ hôm 13/12 cũng bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong khu vực, nhưng nghị quyết vẫn chưa được các bên hiện thực hóa.  

Giao tranh Israel - Hamas

Chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza có giúp Israel đạt được mục tiêu?

Israel đã có kế hoạch cho Gaza sau khi xung đột với Hamas chấm dứt?

Vào tháng 4/2023, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO, đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng nhất của liên minh kể từ sau Chiến tranh lạnh. Bên cạnh Phần Lan, NATO cũng đang đẩy mạnh việc kết nạp Thụy Điển làm thành viên thứ 32. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ không còn phản đối, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ được thông qua trong tương lai gần.

Một trong những chủ đề quan trọng nhất của NATO trong năm 2023 là vấn đề liên quan tới Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào tháng 7, nhóm các nước G7 đã thông qua tuyên bố đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy vậy, hiện có 6 thành viên EU là Áo, Croatia, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Malta từ chối thỏa thuận đảm bảo an ninh, trong khi Kiev kì vọng sẽ có 51 quốc gia tham gia thỏa thuận này. Tổng thống Volodymyr Zelensky vào đầu tháng 12 cũng thừa nhận rằng triển vọng gia nhập NATO của Ukraine vẫn chưa rõ ràng.

Trong năm 2023, NATO cũng dần gia tăng tầm ảnh hưởng ở phương Đông khi mời Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand tham dự hội nghị thượng đỉnh. NATO cũng chủ trương mở thêm văn phòng liên lạc tại Tokyo và tăng cường hợp tác với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phần Lan tuyên bố chính thức là thành viên thứ 31 của NATO 

Các quốc gia thành viên NATO hội đàm về đảm bảo an ninh cho Ukraine 

NATO lên tiếng về việc kết nạp các nước châu Á 

Quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất vào tháng 2, khi Mỹ bắn hạ một khí cầu của Trung Quốc ở ngoài khơi bang Nam Carolina. Bắc Kinh ngay sau đó đã chỉ trích động thái của Washington, khẳng định đây chỉ là một khí cầu thời tiết, và việc xuất hiện trong lãnh thổ Mỹ là ngoài ý muốn. Sự cố này buộc Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc, đồng thời "đóng băng" mọi cuộc đối thoại, liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong thời gian sau đó, những bất đồng liên tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục xảy ra. Từ những vụ va chạm giữa quân đội hai nước ở các vùng biển chiến lược, quan điểm về tình hình Nga-Ukraine, bất đồng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc),... khiến cho quan hệ song phương dường như chạm đáy.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện nỗ lực nhằm xích lại gần nhau vào những tháng cuối năm 2023. Washington đã cử 4 quan chức cấp cao tới Bắc Kinh, trong khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tới thăm Mỹ.

Chiến dịch ngoại giao tích cực giữa hai nước đã dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 15/11. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự song phương, hợp tác ngăn chặn vận chuyển fentanyl và chống biến đổi khí hậu. 

Phản ứng của Trung Quốc ngay sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu 

Chủ tịch Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ nói gì trong 35 phút gặp gỡ? 

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi Mỹ-Trung tránh quay lưng với nhau 

Vào ngày 6/2, trận động đất có cường độ 7,8 độ Richter làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người, khiến hơn 100.000 người khác bị thương, hơn 160.000 tòa nhà với 520.000 căn hộ bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. 

Trận động đất còn kéo theo hàng trăm cơn dư chấn xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia láng giềng mà chủ yếu là Syria. Đây cũng là trận động đất có sức tàn phá lớn nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ankara cần hơn 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho hay nước này dự kiến chi ít nhất là 15 tỷ USD để xây 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà.

Hoạt động cứu trợ ở Syria đã gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm đẩy nhanh cứu trợ nhân đạo cho người dân Syria. 

Chuyện về 'ốc đảo an toàn' duy nhất gần tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Video tự ghi khoảnh khắc sinh tử của cậu thiếu niên bị vùi trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Giây phút dư chấn đe dọa lực lượng cứu hộ ở vùng động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Bão Daniel gây mưa lớn và gió mạnh khiến 2 con đập đầu nguồn ở thành phố cảng Derna, phía đông Libya bị vỡ vào ngày 11/9. Hàng triệu m3 nước quét qua trung tâm thành phố là nơi sinh sống của khoảng 100.000 dân trong đêm đã cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ra Địa Trung Hải. Theo tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng này lên tới 11.300 người.

Thành phố Derna đã phải chôn cất người chết trong các ngôi mộ tập thể. Các nhóm thợ lặn tiến hành rà soát vùng biển ngoài khơi Derna để tìm kiếm thi thể. Các nhóm cứu hộ và nhân viên y tế đã gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng do giao thông bị gián đoạn, và mất đường dây liên lạc. 

Chính phủ Libya đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn tới thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, cũng như tìm ra những cá nhân có liên quan. Giới chuyên gia nhận định tác động của bão Daniel trở nên trầm trọng hơn do sự kết hợp của nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng lâu đời và xuống cấp ở Libya, cảnh báo không đầy đủ, và ảnh hưởng từ khủng hoảng khí hậu.

Nhiều quan chức Libya bị bắt sau thảm họa vỡ đập

Liên Hợp Quốc điều chỉnh số liệu người thiệt mạng vì lũ lụt ở Libya

Những hình ảnh tang thương ở thành phố Libya

Ngày 18/6/2023, tàu lặn Titan do công ty du lịch và thám hiểm OceanGate của Mỹ vận hành đã phát nổ trong chuyến thám hiểm kéo dài 10h xem xác tàu Titanic ở đáy Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Newfoundland, Canada. Tất cả mọi người có mặt trên tàu lặn, gồm Stockton Rush - CEO người Mỹ của OceanGate, Paul-Henri Nargeolet - nhà thám hiểm biển sâu người Pháp kiêm chuyên gia về Titanic, Harmish Harding - doanh nhân Anh và Shahzada Dawood - doanh nhân người Ấn Độ và con trai ông là Suleman đã thiệt mạng. 

Khoảng 1h45’ sau khi lặn, tàu mẹ Polar Prince mất liên lạc với tàu Titan, sau đó tàu lặn Titan không nổi lên mặt nước như dự kiến. Bốn ngày sau khi mất tích, các mảnh vỡ của tàu Titan được tìm thấy nằm cách mũi tàu Titanic khoảng 500m. Thiết bị sonar của hải quân Mỹ cũng phát hiện được âm thanh phù hợp với một vụ nổ vào thời gian tàu lặn mất liên lạc với tàu mẹ. 

Các chuyên gia cho biết, vụ nổ trên tàu lặn diễn ra nhanh tới mức không có người nào trên tàu kịp nhận biết thảm họa sắp xảy ra. Ở độ sâu gần 4.000m dưới mực nước biển của xác tàu Titanic, áp suất nước cao gấp hàng trăm lần áp suất ở trên bề mặt vì thế thân tàu Titan làm bằng sợi carbon nổ tung vào bên trong với tốc độ 2.414 km/h. Con tàu bị nổ trong một phần nghìn giây và mọi thứ tan tành trước khi những người trên tàu nhận biết được vấn đề. 

Sau thảm kịch trên, công ty OceanGate đã dừng mọi hoạt động thám hiểm và thương mại. 

Tàu lặn Titan nổ nhanh đến mức hành khách không kịp nhận biết

Video tái hiện vụ nổ bóp nát tàu lặn Titan

Tàu lặn mất tích khi chở khách tham quan xác tàu Titanic

Ngày 6/5/2023, sau 7 thập niên làm Thái tử, Vua Charles III chính thức trở thành người đứng đầu Hoàng gia Anh sau buổi lễ đăng quang kéo dài 4h với nhiều nghi thức truyền thống. Trước sự chứng kiến của khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu khán giả truyền hình, Tổng Giám mục Canterbury - nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh đã đặt Vương miện Thánh Edward 360 năm tuổi lên đầu Vua Charles trong khi ông ngồi trên ngai vàng có từ thế kỷ 14 tại Tu viện Westminster.

Là vị quân vương thứ 40 kể từ năm 1066 và là vị tân quân vương lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Anh, Vua Charles III lên ngôi sau khi mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ngày 8/9/2022. Lễ đăng quang Vua Charles III giữ nguyên các nghi thức tương tự trong hơn 1.000 năm qua trong khi mang tinh thần của thời đại ngày nay.

Ông chào đời vào năm 1948 tại Cung điện Buckingham ở London, là con trai đầu lòng của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Kể từ khi được chỉ định làm người kế vị ngai vàng vào năm 3 tuổi, Charles là hiện thân của việc hiện đại hóa chế độ quân chủ Anh. Ông là người thừa kế ngai vàng đầu tiên không học tập theo kiểu truyền thống - được dạy kèm tại cung điện.

Những dấu mốc trong cuộc đời Vua Charles III

Những điều đặc biệt về lễ đăng quang của Vua Charles III

Nước Anh có gì thay đổi sau khi Vua Charles III lên ngôi?

Tờ The Guardian của Anh dẫn dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, Ấn Độ vào tháng 4/2023 đã soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Theo ước tính, số trẻ em sinh ra mỗi ngày ở Ấn Độ đạt 86.000 bé, vượt xa con số 49.600 bé/ngày ở Trung Quốc.

Trong khi đó, sự suy giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc lại là kết quả của chính sách một con của nước này, được áp dụng từ năm 1980 – 2015, cũng như chi phí giáo dục cao ngất ngưởng khiến nhiều người dân không thể sinh nhiều hơn một con hay thậm chí không có con.

Ấn Độ soán ngôi ‘quốc gia đông dân nhất’

Dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 60 năm qua

Tăng trưởng dân số gần về 0, Trung Quốc đối mặt khủng hoảng

Tại châu Phi vào giữa năm 2023 đã nổ ra hàng loạt vụ đảo chính ở nhiều quốc gia như Niger, Gabon…gây bất ổn chính trị ở khu vực Trung và Tây Phi. Quân đội những quốc gia này sau đó đã thành lập các chính quyền quân sự, và tạo sức ép nhằm buộc một số nước phương Tây chấm dứt sự hiện diện quân sự ở nước họ. Tại Niger, chính quyền quân sự nước này từng ra lệnh đóng cửa không phận nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối tháng 9/2023 tuyên bố nước này chấm dứt sự hợp tác trong vấn đề chống khủng bố với chính quyền hiện tại của Niger, và cho rút binh sĩ khỏi quốc gia này. Việc rút quân của Pháp có sự hợp tác từ quân đội Niger để đảm bảo quá trình diễn ra trật tự, suôn sẻ. Vào ngày 23/12, 50 binh sĩ cuối cùng của Pháp đã rời khỏi Niger, chính thức đánh dấu sự kết thúc hợp tác quân sự giữa Niamey và Paris.

Đảo chính quân sự ở Niger

Thêm quốc gia châu Phi xảy ra đảo chính sau Niger

Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Niger

Ban Quốc tế VietNamNet

Thiết kế: Thu Hằng