Nằm trong khu vực vùng núi phía bắc của Tổ quốc, là nơi quần tụ và sinh sống của 19 dân tộc, những năm qua, bên cạnh triển khai đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác này, Hà Giang còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đúng đối tượng và mọi người dân. Nhờ đó, đời sống của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng phát triển kinh tế và giảm nghèo.

Xác định công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn dân, toàn xã hội. Bởi vậy, tỉnh luôn chủ động tuyên truyền về công tác này một cách kịp thời, chính xác đúng quy định với nội dung súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.

Bên cạnh đó, Hà Giang còn tổ chức các Hội thi tuyên truyền về giảm nghèo và an sinh xã hội bằng hình thức sân khấu hóa. Hội thi đã thu hút đông đảo và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong bà con nhân dân các xã, thị trấn. Các phần thi của đều có nội dung liên quan đến các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một số tình huống gặp phải trong quá trình truyền thông, đối thoại chính sách cho người nghèo, thực hiện các chính sách liên quan cho hộ nghèo, người nghèo tại cộng đồng.

Các thông tin được chuyển tải qua sân khấu hoá dễ hiểu, dễ nhớ đã góp phần tăng cường, nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn toàn huyện về mục đích, ý nghĩa của việc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận ủng hộ của bà con nhân dân; tạo sự lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong nhân dân. Đồng thời, hội thi còn giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, thị trấn, giúp công tác truyền thông về giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả hơn.

Được biết, từ những hiệu ứng tích cực trong giảm nghèo thông tin, thời ian Hà Giang chú trọng công tác nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, thị trấn để các chính sách, chủ trương về giảm nghèo, an sinh xã hội đến gần dân, để bà con nhân dân hiểu, hưởng ứng và cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả. Từ đó giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng những chính sách để vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê, tỉnh Hà Giang có 91 di sản văn hóa, trong đó có 31 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận nằm trong hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Danh thắng này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho Hà Giang, đặc biệt là về du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người, những điểm du lịch được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích như: Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, mùa hoa tam giác mạch huyện Mèo Vạc…

Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch (PTDL), đặc biệt là loại hình du lịch (DL) cộng đồng, khám phá, trải nghiệm. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của người dân sau khi họ được học cách phát huy tiềm năng, lợi thế. Nhờ đó, du lịch tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT – XH của tỉnh, tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Vào mùa lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai,... các nhà nghỉ, khách sạn và các làng văn hóa DL cộng đồng (đặc biệt là tại 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc), các nhà hàng dịch vụ ăn uống đều thực hiện hết 100% công năng sử dụng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân làm dịch vụ kinh doanh trên trên Cao nguyên đá. Tại các chợ phiên, bà con mang nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản bản địa và sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Thịt bò, mật ong Bạc hà, rau sạch, dược liệu, rượu ngô, khèn Mông, vải và sản phẩm may mặc truyền thống từ lanh...

Học hỏi qua Internet, qua tivi, ông Thò Mí Sính (thôn Sán Trồ, Lũng Cú, Đồng Văn) cùng nhiều gia đình khác trong bản có nguồn thu nhập khá cao nhờ cho thuê vườn hoa tam giác mạch để chụp ảnh. "Tôi thu 10.000 đồng/người vào chụp, có ngày đông khách, số tiền thu về có thể lên tới gần 1 triệu đồng", ông Sính chia sẻ.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng, homestay cũng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang. Vào mùa du lịch, giá phòng phục vụ du khách từ 300 nghìn - 1 triệu đồng/ngày đêm tùy loại. Nhờ tham gia phát triển du lịch, mức sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại.

Anh Nguyễn Văn Thiện, thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang tham gia làm du lịch theo mô hình homestay đã có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Ngoài việc đón khách lưu trú, giới thiệu các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, anh Thiện còn được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch.

Những năm gần đây, Mèo Vạc nổi lên là một địa điểm đến du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng, các dịch vụ du lịch dần hoàn thiện hơn.

Tại huyện Mèo Vạc, nơi dân tộc Mông chiếm hơn 78% dân số nên nhằm bảo tồn kiến trúc, bản sắc văn hóa của người Mông, gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây, tỉnh Hà Giang đã ban hành đề án xây dựng Làng Văn hóa.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông thuộc thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 6km và được xây dựng vào năm 2016 có diện tích 46.000 m2, được bài trí theo kiến trúc 3 bông hoa đào, mỗi bông được xếp bởi 10 ngôi nhà trình tường với tổng 30 hộ gia đình sinh sống và làm du lịch,

Hiện làng có 26 hộ đang sinh sống và 18 hộ gia đình làm du lịch. Không gian trong làng đậm đà bản sắc của người Mông với những nếp nhà trình tường truyền thống với ngói âm dương cùng hàng rào đá, vách đá nâu đặc trưng, những bắp ngô được phơi trên xà nhà xen lẫn những bộ váy áo thổ cẩm được may, thêu tinh tế.

Không chỉ thu hút du khách bằng không gian kiến trúc, bà con dân tộc Mông còn thu hút du khách bằng cách giúp họ có cơ hội trải nghiệm quy trình tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Từng công đoạn từ tước lanh, se sợi, dệt vải… đều được bà con làm tại chỗ để du khách quan sát. Sản phẩm thổ cẩm ngày nay rất đa dạng như: mũ, áo, váy, túi, bao đựng điện thoại…

Bên cạnh đó, được sự tiếp sức của tỉnh, huyện, bà con còn biết cách xây dựng các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch, như: Gạo khẩu mang, giò bò, rượu Tam giác mạch, rượu ngô Chí Sán, rượu ngô Mê Cung Đá, mật ong Bạc Hà, kẹo Tam Giác Mạch, chè Cao Nguyên Xanh... Đến nay, huyện đã có 15 sản phẩm đạt sao, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 07 sản phẩm đạt 3 sao và đã có một số sản phẩm được giới thiệu, quảng bá, bày bán trên sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi là địa điểm được du khách ở nhiều nơi trong nước, quốc tế lựa chọn tham quan, lưu trú. Mỗi năm, lượng khách đến đây đông chiếm 2/3 lượng khách đến địa bàn Mèo Vạc...

Sự nhanh nhẹn, nhạy bén, dám nghĩ dám làm của những người mạnh dạn trong đồng bào dân tộc ở Mèo Vạc đã và đang có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều hộ gia đình khác thay đổi cách nghĩ, bắt tay vào làm du lịch cộng đồng là một trong những phương thức để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Năm 2023, doanh thu từ du lịch của địa phương ước đạt trên 235 tỷ đồng.

Câu chuyện của người Mông ở Pả Vi là minh chứng sống động cho thấy nhờ chú trọng giảm nghèo thông tin, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Mông ở Mèo Vạc nói riêng đã thay đổi nhận thức, biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng, của địa phương để tạo ra sinh kế, từ đó có thu nhập ổn định, không ít người còn vươn lên làm giàu.

Nhóm PV