MIỀN TÂY KHÁT NƯỚC

Ở nhiều tỉnh miền Tây thời điểm này kênh rạch cạn nước trơ đáy, đường sá sạt lở, hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu chết khô, người dân phải mang can nhựa đi hứng nước sạch.

Người đàn ông chầm chậm giẫm lên thân cây gỗ nhỏ, băng qua vùng đất ẩm còn sót lại của con kênh dọc đường quốc lộ tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), thẳng lối vào nhà. Sống ở nơi này hơn 40 năm, đây là lần đầu tiên ông Hùng thấy con kênh cạn trơ đến thế.

"Trên cầu có nhiều tổ ong lắm, cứ đi thẳng dưới này đi", ông Hùng nói với vợ rồi nhanh chân bước vào sân nhà.

Cả tháng nay, lòng kênh đã trở thành đường đi của nhiều hộ dân, thay vì phải đi vòng qua cầu để ra tỉnh lộ.

Mùa khô hạn năm nay tới sớm, khốc liệt tới mức chẳng thể nhận ra hình ảnh miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long - “vương quốc" của sông nước với trường giang nối đại giang, rạch thông liền với đìa, mương chằng chịt...

Miền Tây mùa này, đi dọc khắp các kênh đều thấy hiện tượng khô hạn, những tấm lưới vó mắc chỏng chơ, hàng loạt ghe, sà lan, vỏ lãi úp ngược, mắc cạn ngay ven bờ, đất bùn bạc phếch, nứt nẻ. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, 9 xã, thị trấn của huyện Trần Văn Thời đã có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn. Những con kênh lớn ngày nào mênh mông nước giờ chỉ còn lại lạch nước nhỏ tận đáy. Những tuyến kênh nội đồng nhỏ hơn đã khô cạn hoàn toàn.

Đi qua thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau), dòng Rạch Ráng vốn mênh mông nước giờ cũng cạn khô, chỉ còn sót lại một lạch bùn nhỏ, đen đúa sau đợt nắng nóng kéo dài. Dự kiến, mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh sẽ còn tiếp tục xuống mức thấp.

Song song với đó, tình trạng sụt lún, sạt lở đất đã xảy ra liên tiếp những tháng qua. Tính đến nay, huyện Trần Văn Thời đã có hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 16km, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Hạn hán cũng đã khiến hơn 2.600 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán tại huyện Trần Văn Thời và U Minh để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Kiên Giang. Do ảnh hưởng của mùa khô kết hợp với nắng nóng kéo dài, nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất như nuôi tôm càng, tưới tiêu cho hoa màu rất lớn đã làm khô cạn nước trên các kênh trong khu vực vùng đệm. Cảnh sạt lở, sụt lún nhà, đường giao thông cũng xảy ra tại đây.

Tính đến ngày 13/4, ở huyện U Minh Thượng đã có 355 điểm sạt lở, rạn nứt với chiều dài hơn 8.700m; 31 căn nhà bị sạt lở, sụt lún, ước tổng thiệt hại khoảng hơn 90 tỷ đồng.

Trước Cà Mau, Tiền Giang là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm 2024. Cả tháng nay, dọc các tuyến đường từ trung tâm huyện Gò Công Đông về các xã Phước Trung, Tăng Hoà... cảnh tượng người dân mang can nhựa xếp hàng chờ lấy nước từ thiện, nước ngọt tại các vòi công cộng diễn ra phổ biến. 

Thấy có xe nước từ thiện, chị Trần Hồng Cẩm (xã Tân Phước) kêu con trai lấy xe kéo ra bơm bánh rồi chạy đi chở nước về. 

Nhà của người phụ nữ 44 tuổi nằm tận bên trong con đường nhỏ rải đá xanh gồ ghề. Từ dạo chạy xe máy chở 4 can nước bị té, chị không dám tự chạy xe nữa mà chờ chồng với con trai đi làm về phụ giúp. "Ở nhà nuôi 6 con bò. Mỗi cữ chúng nó phải uống hết liền mấy can nên từ đầu mùa hạn đến giờ, tôi đã tốn mấy triệu đồng để mua nước rồi", chị nói.

Cúi người đổ từng can nước vào bể chứa, chị Cẩm luôn miệng kể, không có đồ ăn còn chịu được, chứ không có nước chịu không nổi.

Tương tự, các hộ dân tại huyện Tân Phú Đông cũng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do ao chứa nước bị nhiễm mặn, không đủ nguồn cung. Có những ngày họ phải "ở bẩn", không dám tắm, dành nước để nấu ăn.

Từ cuối tháng 2 tới nay, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp tại Tiền Giang. Hệ thống cống ngăn mặn đều phải đóng. Nước trong các kênh rạch nội đồng không còn nguồn cung, gây thiệt hại lớn cho diện tích cây ăn trái, hoa màu. 

Ruộng bông cải trắng rộng 4.000m2 của ông Nguyễn Văn Tùng (huyện Gò Công Đông) bị chết khô do thiếu nước ngọt tưới tiêu, ước tính thiệt hại cả chục triệu đồng.

Ở địa phương giáp ranh là Bến Tre, độ mặn 4 phần nghìn cũng đã xâm nhập cách các cửa sông chính 52 - 64km, xấp xỉ mùa khô năm 2016, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, nhất là những vườn trồng cây ăn trái.

Anh Thanh (huyện Châu Thành) quyết định chặt bỏ hết vườn dừa trồng hơn chục năm của gia đình do không thu được hoa lợi từ dừa. 

"Nắng nóng khô hạn khiến đất khô trắng tinh, dự là sẽ không sống nổi qua mùa năm nay", anh Thanh nhìn những trái dừa biến dạng, nhỏ, lên mộng nằm la liệt buồn rầu.

Đợt quả vừa thu hoạch tại vườn của anh toàn là dừa "dạt", phải bán gộp 2 - 3 trái thành một.

Bên cạnh vườn của anh Thanh, gần 800 cây bưởi của ông Trần Thế Tùng cũng đang khô vàng do thiếu nước tưới.

"Cả gia đình đi vay mượn đầu tư mấy trăm triệu đồng. Giờ không có nước, không làm gì được. Trồng cây gì cũng chết. Nhìn vườn của mình như vậy đã buồn rồi, thấy vườn sầu riêng đang chết dần bên cạnh còn khổ hơn...", người đàn ông 50 tuổi ngồi thẫn thờ bên vườn cây giữa trưa nắng nóng.

Hễ cây bưởi ra bông, ông Thanh lại phải cắt bỏ đi vì ở thời điểm này, cây không thể nuôi dưỡng trái được. Những trái bưởi da xanh nhỏ xíu, vàng vọt không thể phát triển khoẻ mạnh.

Bến Tre là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, trên 25.000ha với đa dạng chủng loại như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, xoài. Diễn biến thất thường của hạn mặn năm nay có thể gây thiệt hại lớn cho địa phương.

Không chỉ hoa màu, cây ăn quả, hơn 41.000ha lúa gieo sạ vụ 3 (vụ Đông Xuân muộn) tại tỉnh Sóc Trăng cũng đứng trước nguy cơ mất trắng.

Những trưa nắng nóng tháng Tư, ông Lê Văn Hết (huyện Long Phú, Sóc Trăng) đều đặn ghé thăm ruộng, kiểm tra tình hình "sức khoẻ" cây lúa. Người nông dân 48 tuổi buồn rầu cầm trên tay những bông lúa đang đoạn trổ đòng mà lá vàng rũ, rễ trắng chuyển qua màu đen, lụi dần.

"Vậy là ruộng lúa này cũng xem như bỏ", ông Hết nói.

Nằm cách vùng khô hạn Tiền Giang hơn 200km, nhiều thửa ruộng khô khốc do thiếu nước cả tháng nay tại huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Trước đây, lũ về giúp rửa phèn, rửa mặn cho đất, ruộng được bồi đắp phù sa, trồng lúa sẽ tốt. Nhưng tháng 9, tháng 10 năm trước thấy nước lũ không về, ông Ba Tạo (53 tuổi) đoán có chuyện không lành, chuyển hướng chọn giống lúa ngắn ngày, rồi tranh thủ xuống giống sớm để tránh mặn.

"Hạn mặn đến mau lắm, vừa ăn Tết xong là thấy các kênh mương cạn kiệt luôn", vừa nói ông vừa nhìn xa xa phía cánh đồng đã xới bỏ lúa, chờ mưa xuống làm lại vụ mới. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã khiến 20.000ha lúa Đông Xuân thiếu nước. Năm nay, tình hình hạn mặn được Bộ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Nước mặn xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15km.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ Lê Ngọc Quyền ước tính, hạn mặn năm nay khiến người dân ven biển thiếu nước ngọt sinh hoạt, đồng thời ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sạt lở đường xá. Theo dự báo, hạn mặn có thể gây thiệt hại cho vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên 70.000 tỷ đồng.