Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (Nghị định 05), là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành hoặc tham mưu ban hành hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đến đồng bào DTTS.

Mặc dù là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực này, nhưng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc (nhất là cơ chế về nguồn lực), dẫn đến việc phân loại, đánh giá thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chính sách.

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, còn 23 chính sách dân tộc chưa được ghi nhận; hoặc chưa được quy định cụ thể trong Nghị định và các văn bản pháp luật liên quan vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cụ thể như: Cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ người DTTS, con hộ nghèo tại các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là người DTTS; Chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân trong việc tổ chức duy trì, bảo tồn, truyền dạy văn hoá truyền thống trong cộng đồng…

Dự thảo Nghị định đề xuất chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư như sau: Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, tập quán của dân tộc, vùng miền. Trong đó, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn du canh, du cư; vùng thường xuyên xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS khởi nghiệp, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững.

Hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, DTTS rất ít người sinh sống.  

Về chính sách phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo nêu rõ: Phát triển cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng các hình thức đào tạo, dạy nghề cho nhân lực DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển số quốc gia và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh, học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với học sinh, sinh viên người DTTS theo quy định của pháp luật.

Học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, học sinh, sinh viên các dân tộc có khó khăn đặc thù được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.

Thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người DTTS và giáo viên dạy tiếng DTTS.

Cán bộ người DTTS có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được ưu tiên bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp.

Ở các địa phương vùng đồng bào DTTS, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người DTTS.

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, DTTS rất ít người, DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS theo quy định.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, được khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, thăm hỏi, tiếp đón và được hưởng các chế độ, ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Định kỳ 2 năm đối với cấp huyện và cấp tỉnh, 5 năm đối với cấp Trung ương tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi."

Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.  

Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu, đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS; thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cộng đồng các DTTS giữ gìn tài nguyên du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng.

Đối với chính sách y tế, dân số, tập trung phát triển các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao để nâng cao thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ của người DTTS. Chú trọng các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em. 

Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc. Trong đó, có chính sách hỗ trợ kịp thời để bảo tồn, phát triển các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, DTTS rất ít người.

Tăng cường tuyên truyền, can thiệp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Trên cơ sở các căn cứ chính trị, pháp lý cũng như thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 05 về công tác dân tộc, là nguyện vọng chính đáng của cử tri và đồng bào các DTTS. Qua đó, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện các chính sách, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Nhóm Phóng viên