icon icon

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã giành cho VietNamNet cuộc trao đổi ngay sau khi Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022. 

Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh thành có bước nhảy vọt rất lớn khi năm 2021, chỉ số DTI của tỉnh chỉ đứng 60/63 tỉnh thành, thì đến năm 2022, địa phương vượt 34 bậc lên vị trí 26/63.

Năm 2022 cả 4 chỉ số đều cùng tăng điểm, tăng hạng. Với kết quả đạt 86,07%, Quảng Ngãi vươn lên xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022, tăng 12 bậc so với năm 2021 và đứng thứ 6/14 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh

Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022, Quảng Ngãi xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ngãi năm 2022 xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2021...

Thể chế số và Nhận thức số phải đi trước một bước

- Xin ông cho biết những giải pháp đột phá UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai làm thay đổi thứ hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng vọt lên 34 bậc so với năm 2021?

Chủ tịch Đặng Văn Minh: Để đạt được kết quả tăng 34 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI), trong năm 2022, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đã đề ra. 

Trong đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về tầm quan trọng, sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rõ rệt. Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với phương châm thực hiện xuyên suốt, nhất quán là “Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số” .

Người dân được hướng dẫn cài đặt và thực hiện đăng ký làm giấy khai sinh trên cổng dịch vụ công trực tuyến

Cùng với việc triển khai đồng bộ các chỉ số, thì Thể chế số và Nhận thức số được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo phải đi trước một bước. Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số của tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách giảm 50% phí, lệ phí khi tổ chức và công dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến. 

UBND tỉnh đã ban hành 08 kế hoạch, quyết định liên quan đến công tác báo chí, truyền thông; 18 kế hoạch, quyết định liên quan đến công tác phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ công chuyển đổi số; đồng thời yêu cầu các địa phương trong tỉnh bố trí tối thiểu 0,5% tổng chi thường xuyên ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025.

Năm 2021, chỉ số DTI tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 60/63. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 19-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương và cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, kết quả DTI năm 2022 của tỉnh đã tăng 34 bậc so với năm 2021, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, chính quyền số tăng 44 bậc, từ vị trí 61 lên 17; kinh tế số tăng 45 bậc, từ vị trí 62 lên 17 và xã hội số tăng 42 bậc, từ vị trí 57 lên 15.

Có thể nói thứ hạng DTI của tỉnh tăng đều trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; trong đó các chỉ số thành phần về Nhận thức số và Thể chế số là những chỉ tiêu có sự bứt phá vượt bậc, nằm trong nhóm đầu cả nước.

Chất lượng hoạt động của chính quyền được cải thiện

- Để có thứ hạng tăng đều trên cả 3 trụ cột như ông nói, chắc hẳn địa phương đã có những đánh giá về chất lượng dịch vụ công trực tuyến cũng như rút ngắn khoảng cách trong giải quyết thủ tục đầu tư...Ông có thể chia sẻ về hiệu quả của những mô hình này ở địa phương?

Chủ tịch Đặng Văn Minh: Về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số: Tỉnh đã tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; các nền tảng số dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ đến cấp cơ sở; ứng dụng dữ liệu số để cải thiện chất lượng và hiệu quả của hoạt động chính quyền; rút ngắn thời gian xử lý, tăng tỷ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước hạn và đúng hạn. 

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh triển khai hệ thống (phần mềm) quản lý nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo theo dõi, quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng công tác tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, tiến độ, chất lượng hoạt động của chính quyền được cải thiện rõ rệt; thể hiện qua kết quả cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được kết quả cao tương ứng (năm 2022, PCI đứng thứ 33/63 tỉnh, thành (tăng 12 bậc so với năm 2021), PAX INDEX đứng thứ 27/63 tỉnh, thành (tăng 12 bậc so với năm 2021), PAPI đứng thứ 23/63 tỉnh, thành (tăng 20 bậc so với năm 2021), SIPAS đứng thứ 49/63 tỉnh, thành (tăng 4 bậc so với năm 2021).

Về kinh tế số: Đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tăng 45 bậc so với năm 2021. Tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các chiến dịch truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ và và có giải pháp khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đưa các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Người dân, doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức, tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhờ đó kết quả xếp hạng tăng rất cao.

Quảng Ngãi phát động phong trào chuyển đổi số năm 2023

Về xã hội số: có sự thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, Tỉnh tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, tổ dân phố để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số đến người dân; hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền, thanh toán không dùng tiền mặt; mua sắm trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ trong đời sống hàng ngày; Công tác truyền thông có nhiều đổi mới, truyền thông trên đa nền tảng nhất là các nền tảng số để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông. Cùng với đó, chính sách giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến đã thúc đẩy doanh nghiệp và người dân sử dụng Cổng dịch vụ công của tỉnh ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn, qua đó cải thiện đáng kể chỉ số xếp hạng xã hội số.

Triển khai đồng bộ các nền tảng số

- Trong bảng đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022 đã có địa phương tụt thứ hạng rất nhiều (cụ thể như Đồng Nai và Hà Giang cùng giảm 24 bậc), với Quảng Ngãi đã có bước đi cụ thể thế nào để duy trì thứ hạng và tiến tới lọt top các tỉnh có chỉ số chuyển đổi số cao, thưa ông?

Chủ tịch Đặng Văn Minh: Tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện, đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số, tập trung thực hiện nhiệm vụ “Tiên phong trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn tỉnh”  đã được Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023.

Kết quả xếp hạng chỉ số DTI năm 2022 là một thành công đối với tỉnh Quảng Ngãi; đây là kết quả xứng đáng và là sự động viên, khích lệ rất lớn cho những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua. Trong thời gian đến, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cùng với sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phấn đấu và đặt mục tiêu xếp hạng chỉ số DTI đạt kết quả cao hơn so với năm 2022.

Lực lượng công an hướng dẫn người dân cài đặt VNeID

Thời gian đến, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số; nghiên cứu các điều kiện pháp lý, trình HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023 - 2025. Trong ba trụ cột của chuyển đổi số thì chính quyền số có vai trò quan trọng để dẫn dắt kinh tế số và xã hội số phát triển. Do đó, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, tăng cường ứng dụng dữ liệu số trong công tác quản lý, điều hành; triển khai đồng bộ các nền tảng số đến cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả của các Tổ công nghệ số cộng đồng; triển khai phổ cập kỹ năng số, an toàn thông tin cho người dân; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức người dân về chuyển đổi số. 

Tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương sớm kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trong năm 2022, 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại Quảng Ngãi triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung (https://ioffice.quangngai.gov.vn) theo mô hình tập trung, liên thông 4 cấp và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử.

Đã có 688 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, với gần 250 thủ tục có thể thanh toán trực tuyến.

Hiện nay, bộ phận một cửa các cấp có thể khai thác 20 trường thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên dễ dàng xác nhận thông tin nơi cư trú của công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện thủ tục hành chính. Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai và thành lập 100% Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố...

Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số, với thông điệp, chủ đề xuyên suốt là "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", theo phương châm "Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển". Thời gian qua, các hoạt động hưởng ứng Năm dữ liệu số đã được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

- Cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Kiều Oanh - Công Sáng

Thiết kế: Thu Hằng