Trung tâm chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM có quy mô 150 giường, đạt chuẩn hồi sức sơ sinh cấp 4 (cấp cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế). Bên trong toà nhà mới khánh thành là gần 200 đứa trẻ non nớt, có bé phải nhập viện chỉ sau vài phút chào đời.

Không một đứa trẻ nào ở Trung tâm sơ sinh này chào đời khỏe mạnh. Nếu khác nhau, chỉ là bệnh nặng hay nhẹ, dị tật nhiều hay ít, phải phẫu thuật hay không. Tầng 3 của trung tâm là khu vực cấp cứu, đêm ngày phát ra âm thanh của máy móc.

Chiếc bỉm sơ sinh cỡ nhỏ nhất vẫn quá to lớn so với em bé chào đời ngày 4/6, nặng 1,4kg. Gót chân là hàng chục vết kim tiêm, cơ thể chằng chịt dây nhợ kết nối với thiết bị y tế. Bị tăng đường huyết bẩm sinh, mỗi ngày em phải chịu rất nhiều lần lấy máu xét nghiệm. Phần tóc mỏng manh cũng bị cạo bớt để các cô điều dưỡng lấy ven đặt đường truyền.

Những cú xoay trở mệt mỏi như chứng tỏ em vẫn đang nỗ lực vô cùng. “Ngày nào cũng cả chục lần lấy máu, bây giờ còn đang sút cân đây, thương lắm”, cô điều dưỡng nói.

Ở một chiếc giường khác là bé trai sinh ngày 23/5. Em vừa trải qua ca phẫu thuật căng thẳng lúc vài ngày tuổi vì bướu máu khổng lồ ở mông. Lúc chuyển từ Cần Thơ lên TP.HCM, em bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, tính mạng bị đe doạ. Sau khi các bác sĩ xử lý khối bướu, vết thương đã ổn định. Em ngoan ngoãn nằm ngủ và chờ bác sĩ khoa bỏng xuống thay băng.  

Bên phòng cấp cứu 2, bệnh nhi 1 tháng tuổi đang được bác sĩ kiểm tra, chuẩn bị cho cuộc hội chẩn với bác sĩ phẫu thuật tim. Từ khi lọt lòng đến nay, bệnh viện chính là ngôi nhà của em vì sinh non, bị tim bẩm sinh, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Bác sĩ quyết định phải phẫu thuật tim càng sớm càng tốt nhưng chi phí cho ca mổ lại quá sức với gia đình.

“Bệnh viện đang tìm nguồn hỗ trợ viện phí để bớt gánh nặng cho cha mẹ của con. Ở đây rất nhiều trẻ như vậy, bệnh rất nặng mà gia cảnh khó khăn”, một bác sĩ thở dài. 

Chỉ riêng phòng cấp cứu, có hơn 60 trẻ đang được chăm sóc với đôi tay thoăn thoắt của các cô điều dưỡng. Hầu hết các em là trẻ sinh non mắc các bệnh lý cần phẫu thuật như tắc ruột, teo ruột, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP), trẻ sơ sinh chờ phẫu thuật tim hoặc mắc bệnh rối loạn chuyển hoá… Tiếng máy móc đôi khi át đi tiếng khóc của những cơ thể non tháng, nhẹ cân, chờ được mẹ vỗ về. 

Khu sơ sinh chuyên sâu của Bệnh viện Nhi đồng 1 có quy mô 150 giường nhưng số lượng bệnh nhân luôn cao hơn thế, có khi lên đến gấp đôi. Thời điểm ở khu nhà cũ, quá tải và nằm ghép là chuyện thường. Ai cũng vất vả, nhưng thương nhất có lẽ là các bà mẹ vừa vượt cạn.

“Sức khỏe của các bé là ưu tiên số một nhưng chúng tôi cũng rất lo cho thể trạng và tâm lý của người mẹ. Sự mệt mỏi, căng thẳng đã khiến rất nhiều bà mẹ bị mất sữa. Thực sự chúng tôi không đủ điều kiện cả về nhân lực, thời gian để hướng dẫn họ kỹ hơn. Phòng ốc chật chội đôi khi bó hẹp những nhu cầu đơn giản nhất. Ví dụ như một nơi riêng tư để người mẹ vắt sữa thay vì căn phòng có cả chục người xung quanh. Nhưng bây giờ, khi sang toà nhà mới, chúng tôi có cơ hội để thay đổi và chăm lo cho các bà mẹ và các bé tốt hơn trước”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Sơ sinh 2 - Chuyển hoá - Di truyền, Bệnh viện Nhi đồng 1 nói.

Năm 2001, sau khi vừa ra trường và học nội trú, bác sĩ Hương về công tác tại khối sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. So với những năm tháng làm việc ở điều kiện quá tải, xuống cấp, môi trường hiện tại là một khoảng cách quá lớn. 

“Ngày xưa, có những lúc phải bất lực nhìn trẻ mất trước mắt mình, vì trình độ y khoa chưa điều trị được. Có lúc chúng tôi đã dốc hết tâm sức cũng không giữ được sự sống cho các con. Cảm giác đó ám ảnh mãi. Khi đã làm mẹ, tôi càng nặng nề hơn khi một em bé sơ sinh bệnh lý ra đi. Hiện nay, nhờ liên tục nâng cao tay nghề và chuyên môn, bệnh viện đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh xuống dưới 1%. Có những trường hợp phát hiện dị tật tim bẩm sinh ngay trong thai kỳ, trẻ vừa lọt lòng đã được chuyển về đây phẫu thuật”, bác sĩ Hương nói. 

Trong ký ức của chị Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi, điều dưỡng), 20 năm qua, chị chưa từng quên những đứa trẻ đã ra đi. Với chị, các em không chỉ là bệnh nhân, mà trước tiên là con là cháu, nếu không thương yêu sẽ không thể kiên trì đi đến hôm nay.

“Chúng tôi cũng mệt mỏi, quá tải, vất vả, nhưng chỉ biết nói rằng vì một chữ duyên mà ở lại. Có đêm trực chỉ 2-3 chị em với hàng chục đứa trẻ yếu ớt trong nôi. Tôi còn nhớ mãi một em bé bị xương thuỷ tinh được cha mẹ đưa từ Huế vào đây điều trị. Bệnh xương thuỷ tinh khiến con rất đau đớn, đụng nhẹ cũng gãy xương, mà không làm gì có khi cũng gãy xương. Chăm trẻ sinh non đã phải nhẹ nhàng nhưng với bé này càng phải nhẹ hơn. Đeo đuổi chạy chữa được vài tháng, con bị viêm phổi nặng, không qua khỏi. Ngày con mất, tôi không có mặt. Khi đi làm lại, nghe đồng nghiệp kể, bàng hoàng cả lòng”, chị nói. 

Đó là em bé mang dị tật rất nặng ở não và không thể chữa khỏi. Điều này có nghĩa là bé không thể đi đứng, học hành mà hoàn toàn trông chờ vào sự chăm sóc của gia đình. Bác sĩ đã giải thích để người mẹ chuẩn bị tâm lý .

Ít lâu sau, mẹ bỏ bé lại khu sơ sinh.

Lần gọi theo số điện thoại trong hồ sơ bệnh án, không ai nghe máy. Bệnh viện nhờ công an địa phương đến tận nhà gặp. Người mẹ nói, vì nghèo khó quá nên không nuôi được con. Dù muốn dù không, đứa trẻ đành bơ vơ. Có lúc, Khoa sơ sinh 2 chăm sóc cho khoảng 5-6 đứa trẻ như thế.

Một em bé nhỏ bé, gầy còm khác vì mắc bệnh lý tiêu hóa mà phải phẫu thuật rất nhiều lần, ăn uống chủ yếu bằng truyền dịch. Chẳng bao lâu, mẹ cũng bỏ em lại viện. Các cô điều dưỡng nuôi mãi mà em không lớn, chăm bẵm gần một năm mà em nặng chưa đầy 4kg. Chỉ có tình thương là lớn dần.

Các cô thay nhau mua đồ mới, nán lại sau giờ làm để bế ẵm, hát ru, háo hức chờ đến khi con tròn một tuổi để làm đầy năm. Thế rồi bé được một trung tâm bảo trợ nhận nuôi.

Ngày chuyển con đi, các cô xót xa như từ bỏ đứa con ruột thịt. Lời hứa về buổi sinh nhật đầu tiên cũng chưa kịp thực hiện. 

Hơn 20 năm qua, chị Nguyễn Thị Hoa và đồng nghiệp đã chăm sóc những sinh linh này bằng tình yêu của người mẹ, trước khi gắn bó với chúng bằng trách nhiệm của một điều dưỡng. Chị Hoa kể, đừng tưởng các con nhỏ mà không biết gì. Trước khi tiêm thuốc, thay tã, thay băng, các cô đều phải nói trước để “xin phép”.

“Bây giờ cô thay tã cho con nhé, giờ cô tiêm thuốc nha, con chờ cô một chút nhé! Các con hiểu hết đấy”, chị Hoa thủ thỉ.  

“Các con mắc đủ các loại bệnh khác nhau, bị dị tật bẩm sinh, sinh non và cực non. Đôi khi, gia đình cũng bỏ cuộc vì con đường quá dài. Một đứa trẻ ra đời đâu có lựa chọn được điều trị hay không, sống hay không sống. Vì vậy, chúng tôi luôn phải hết sức, hết lòng với các con”, bác sĩ Thanh Hương tâm sự. 

Bài: Linh Giao
Thiết kế: Nguyễn Cúc