Sáng 3/5, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. 

Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Pho Chu tich QH Tran Thanh Man.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Từ năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri, nhân dân cả nước. Để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ VHTT&DL, cùng các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo đúng quy định, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ. Việc này thực hiện theo nguyên tắc chương trình khi được thông qua phải bảo đảm dễ thực hiện, dễ quản lý, đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, tập trung làm rõ mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

“Việc huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực”, ông Mẫn nói và đề nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện dự thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 (tháng 5/2024).

Về dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này. Đây là dự án luật quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực và nhiều luật khác, do đó cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong đó, dự luật phải khắc phục được những bất cập, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thành các chính sách, quy định cụ thể, có tính khả thi cao; nhất là các chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa…

Đề xuất 122.250 tỷ đồng để phát triển văn hóa

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, tổng thể các nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là 122.250 tỷ đồng.

Về lộ trình thực hiện, Chính phủ đề nghị năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách, chuẩn bị đầu tư. Sang giai đoạn 1, chu kỳ trung hạn 2026 - 2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.

Còn giai đoạn 2, theo chu kỳ trung hạn 2031-2035 sẽ tiếp tục phát triển văn hóa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.