Chỉ số DTI mới đạt 478,99/1.000 điểm

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá chỉ số DTI cấp tỉnh đối với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung như: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh và nhóm chỉ số về hoạt động liên quan đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số DTI cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT&TT công bố tháng 7.2023, tỉnh Hà Giang xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021.

Trong nhóm chỉ số nền tảng chung, an toàn thông tin mạng là chỉ số có điểm số thấp nhất 29,48/100 điểm; cao điểm nhất là chỉ số nhận thức số nhưng mới đạt 72,5/100 điểm. Các chỉ số còn lại dao động từ 51,99 – 70/100 điểm; riêng chỉ số đô thị thông minh, Bộ TT&TT không đánh giá. Đối với nhóm chỉ số về hoạt động thì hoạt động chính quyền số đạt 88,09/200 điểm; kinh tế số đạt 76,78/150 điểm và xã hội số đạt 38,71/150 điểm.

Trong tổng số 98 chỉ số thành phần, Hà Giang còn 61 chỉ số chưa đạt điểm tối đa; trong đó, 28 chỉ số 0 điểm như: Mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền tảng số; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về CĐS; triển khai nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước, nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức... Một số chỉ số thành phần bị mất điểm: chưa cung cấp được số liệu thống kê người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số; chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của Bộ TT&TT...

Những hạn chế trên khiến chỉ số DTI của Hà Giang mới đạt 478,99/1.000 điểm.

Quyết tâm thăng hạng chỉ số DTI

Quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ người dân không chỉ là tinh thần của ngành thông tin, truyền thông Hà Giang mà là tinh thần chung được Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang đã và đang được cụ thể hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực hành chính công.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn rất nhiều, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Với một địa phương khó khăn như Hà Giang, con đường chuyển đổi số, 4.0 sẽ mang tính quyết định sự phát triển của địa phương. Nếu biết khai thác từng tiềm năng, lợi thế của vùng miền, địa phương, nhất là hướng cho người khai thác lợi thế thông qua chuyển đổi số, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Với quyết tâm cải thăng hạng chuyển đổi số, tại phiên họp quý III năm 2023 của Ban điều hành CĐS tỉnh, Thường trực UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt điểm tối đa. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng chỉ số DTI của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kiên quyết khắc phục những hạn chế, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thiết thực, phù hợp, hiệu quả để thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột. Cùng với đó, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xác định rõ công việc cấp bách, thiết yếu để tập trung ưu tiên thực hiện trước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS của tỉnh. Mặt khác, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS cũng như chỉ số DTI nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức, thống nhất trong hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Kết quả rà soát của Sở TT&TT cho thấy: Năm 2023, tỉnh Hà Giang đạt 710,59/1.000 điểm, tăng 231,6 điểm so với năm 2022, đạt 71,06% so với kế hoạch đề ra.

Xác định việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án: Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ) có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chỉ số DTI; do vậy, tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia CĐS... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 18, ngày 29/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Minh Yến