Ưu thế giá rẻ biến những chiếc máy bay không người lái (drone) trở thành vũ khí quan trọng trong chiến tranh phi đối xứng hiện đại.

Ngày 27/3/2024, một tàu chiến của Mỹ tại Biển Đỏ phát hiện 4 vật thể bay tiến đến trên radar. Như thường lệ, thuỷ thủ trên tàu nhanh chóng phóng tên lửa đánh chặn lên bầu trời. Các mục tiêu đều bị tiêu diệt, nhưng cùng với đó, kho tên lửa trên tàu cũng cạn kiệt dần. Vào ngày cao điểm, lực lượng Houthi có thể tung ra những đợt tấn công gồm 14 chiếc drone cùng lúc.

Sự xuất hiện của những chiếc drone giá rẻ, càng làm rõ xu hướng chiến tranh phi đối xứng trong xung đột hiện đại. Đến nay, drone giá rẻ hoàn toàn có thể áp đảo những phần cứng quân sự tối tân nhất bằng sự vượt trội về số lượng.

Tiến sĩ Paul Scharre, Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho biết các loại vũ khí hiện tại sẽ nhanh chóng bị đánh bại trước những drone giá rẻ sản xuất hàng loạt. “Rõ ràng, việc tiêu diệt một chiếc máy bay không người lái trị giá chỉ vài nghìn USD bằng một tên lửa có giá hàng triệu USD không phải là giải pháp hiệu quả về chi phí”.

Phiến quân Houthi tấn công bằng máy bay không người lái giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài hoặc lắp ráp trong nước tại gara ô tô. Họ có nhiều năm kinh nghiệm trong loại hình chiến tranh này.

Chẳng hạn, ngay từ năm 2015, người Houthi đã bắt đầu tung drone cỡ nhỏ, tầm xa vào các cơ sở dầu mỏ - mục tiêu có giá trị cao, dễ bị tấn công của Ả Rập Xê Út. Hầu hết drone đều bị bắn hạ bởi tên lửa Patriot và máy bay phản lực F-15, nhưng không phải tất cả.

Năm 2022, Ả Rập Xê Út đồng ý ngừng bắn. Người Houthi tiếp tục xây dựng lực lượng máy bay không người lái của họ và vào tháng 11/2023, họ bắt đầu phóng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu chở hàng quốc tế ở Biển Đỏ, được cho là nhằm phản đối hoạt động quân sự của Israel tại dải Gaza.

Những đợt tấn công của drone làm tiêu hao đạn dược trên tàu chiến, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị đánh bại bởi những tên lửa chống hạm lớn hơn. Do đó, ngày càng nhiều các công ty đang bắt tay vào cuộc đua R&D chống lại mối đe doạ này.

Epirus, công ty sản xuất vũ khí công nghệ cao trụ sở Mỹ, đang phát triển hệ thống vi sóng công suất lớn - Leonidas, có khả năng đánh bật các drone khỏi bầu trời. Trong trường hợp may mắn nhất, các drone sẽ bị lỗi tạm thời, còn không, toàn bộ linh kiện điện tử trên thiết bị sẽ bị đốt cháy hoàn toàn.

Không giống như công nghệ gây nhiễu sóng vô tuyến làm cản trở hoạt động liên lạc hoặc dẫn sai đường drone, vũ khí vi sóng được phát triển để phá hủy chúng.

Hệ thống Epirus được chế tạo từ chất bán dẫn phổ biến GaN. Ảnh: IEEE Spectrum

Hệ thống Leonidas được đặt trên xe tải, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2020 và đã phát triển tới thế hệ thứ ba (2022). Đến nay, công ty Epirus đã bàn giao bốn hệ thống này cho quân đội Mỹ đánh giá thực tế.

Bộ phát của Leonidas là một tấm phẳng có chiều ngang khoảng hơn 3 mét, làm từ gallium nitride (GaN) thể rắn, giống với đèn LED nhưng tạo ra sóng vô tuyến thay vì ánh sáng. Những bộ phát này nhỏ gọn hơn so với các máy phát cao tần được sử dụng trong radar truyền thống và công nghệ này đang bắt đầu chiếm ưu thế trong các hệ thống radar và thông tin liên lạc 5G.

Gallium Nitride là một hợp chất hóa học với khả năng bán dẫn, được nghiên cứu từ những năm 1990. Các thành phần điện tử được sản xuất từ GaN bao gồm diode, transistor, và amplifier. GaN được xếp vào cùng danh mục với silicon, chất liệu bán dẫn phổ biến nhất thế giới

Hàng chục hoặc hàng trăm máy bay không người lái có thể tấn công đồng thời, khiến các hệ thống phòng thủ hiện tại không thể đối phó. Song, công nghệ vi sóng đã được chứng minh trên thực tế có thể giải quyết bài toán này.

Trong các cuộc thử nghiệm năm 2021, Leonidas đã hạ gục 66 trong số 66 mục tiêu không người lái. Trong một số bài kiểm tra đối phó với nhiều drone cùng lúc, hệ thống không gặp khó khăn trong việc tiêu diệt toàn bộ mục tiêu chỉ trong một lần quét.

“Công nghệ vi sóng có thể hạ gục cùng lúc một nghìn máy bay không người lái xâm nhập, với chi phí chỉ khoảng 25 xu một lần bấm nút”, Lowery nói.

Bên cạnh là mối đe doạ trên không, những chiếc cano không người lái kamikaze cũng là nỗi ám ảnh với tàu thuyền trên biển. Lực lượng Houthi cũng đang sử dụng những tàu cao tốc không người lái chứa đầy chất nổ để tấn công tàu chở hàng.

Vũ khí năng lượng định hướng như vi sóng được coi là giải pháp chống lại bầy đàn drone. Ảnh: Aviation Week

Tương tự tại Biển Đen, Ukraine sử dụng hàng loạt cano tự lái gắn thuốc nổ tấn công tàu Nga đang di chuyển hoặc neo đậu tại cảng. Việc bắn trúng những xuồng cao tốc nhỏ, nhanh vào ban đêm là nhiệm vụ không hề dễ dàng với xạ thủ súng máy hạng nặng hay cả hệ thống súng tự động.

Chưa kể, bên tấn công có thể kết hợp giữa drone và xuồng kamikaze, tạo ra đe doạ từ nhiều hướng khác nhau. Mỗi chiếc thuyền không người lái có giá khoảng 100.000 USD, cũng rẻ hơn nhiều so với các tên lửa.

Hải quân Mỹ có lịch sử lâu dài về thử nghiệm tia laser năng lượng cao. Năm 2014, tàu vận tải đổ bộ USS Ponce đã được trang bị Hệ thống vũ khí Laser (LaWS) công suất 30 kilowatt để phòng thủ tại khu vực Vịnh Ba Tư. Sau khi Ponce “nghỉ hưu” vào năm 2018, hải quân quyết định không tiếp tục sử dụng LaW do mất thời gian nạp năng lượng trước khi khai hỏa và khó tạo ra chùm tia kết hợp.

Thay vào đó, Lầu Năm Góc hiện đang nghiên cứu công nghệ laser lớn hơn, công suất 150 kilowatt có tên là HELIOS. Nhưng tia laser có những hạn chế cơ bản.

“Những yếu tố môi trường như mưa, khói, sương mù,… có thể làm gián đoạn tia laser, do đó công nghệ này không đủ tin cậy, đặc biệt khi chúng cần một khoảng thời gian nhắm vào mục tiêu”, Zachary Kallenborn của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho hay.

Một chùm tia laze cần tập trung vào mục tiêu đủ lâu để gây sát thương, khoảng thời gian được gọi là “thời gian dừng”. Tùy thuộc vào mục tiêu, quá trình tiêu diệt có thể mất vài giây, trong khi tia vi sóng hoạt động chỉ trong chưa đầy một giây. Tia laser chỉ tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm, nhưng vi sóng có thể bắn ra một luồng gió rộng và hạ gục nhiều mục tiêu chỉ bằng một lần quét.

“Năng lượng định hướng có nhiều hứa hẹn, nhưng tôi chắc chắn lạc quan hơn về vũ khí vi sóng hơn là tia laser”, chuyên gia của CSIS nhận định.

Bản thân công nghệ vi sóng này không phải là giải pháp hoàn chỉnh, mà sẽ là một phần của hệ thống phòng không nhiều lớp, với radar, súng và tên lửa. Quân đội Mỹ dự kiến sẽ biên chế một hoặc nhiều đơn vị vi sóng vào mùa hè năm nay.

Thiết kế: Nguyễn Hồng Anh