Hơn 200 đại biểu từ các Bộ ngành, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, cơ quan thông tấn báo chí tham dự trực tiếp “Hội thảo doanh nghiệp về Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050” được tổ chức vào sáng ngày 11/4 tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC)” tổ chức.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã chia sẻ đến các đại biểu những thông tin cập nhật nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net-zero cũng như thảo luận về các cơ hội cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam. 

5 chuyen doi xanh tai chinh xanh 114.jpg
Thông tin cập nhật nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net-zero đã được chia sẻ tại hội thảo.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam hướng tới phát thải ròng “0”, TS. Lương Quang Huy Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thuận lợi đối với doanh nghiệp là: Nhận thức và nhu cầu của khách hàng có xu hướng tích cực; Tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang tạo ra các áp lực phải chuyển đổi; Một số thị trường mới đang hình thành yêu cầu sản phẩm thân thiện môi trường, phát thải thấp... Tuy nhiên, ông Huy cũng khẳng định, thách thức đối với doanh nghiệp là tư duy hệ thống trong chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ; Nguồn lực cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu; Nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế.

Đại diện của Công ty CocaCola Việt Nam cũng cho biết những hoạt động nỗ lực chống biến đổi khí hậu của công ty như vận hành hiệu quả các mô hình, dự án của nhà máy; tham gia các dự án thuận thiên và bán thuận thiên như bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim, trữ nước lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục hồi rừng ngập mặn. Cùng với đó là hành động vì một “thế giới không rác thải” như sử dụng 100% bao bì có thể tái chế vào năm 2025; Sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì vào năm 2030; Thu gom và tái chế 100% chai và lon sản phẩm bán ra vào năm 2030; Làm việc cùng nhau để hỗ trợ một môi trường và đại dương trong lành, không có rác thải... Công ty cũng phối hợp tổ chức tập huấn kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cho các đối tác trong chuỗi giá trị của CocaCola tại Việt Nam. 

Chuỗi bài trình bày của các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đã cho thấy nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn, với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính đang tiếp tục được cập nhật, cũng như tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức năng động, các triển vọng trong tương lai, đồng thời cho thấy nỗ lực của khối doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể. 

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện VCCI, Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, nhấn mạnh một trong những ưu tiên hành động của VBCSD-VCCI trong thời gian tới là xây dựng và vận hành các nhóm công tác về Chuyển đổi xanh, ESG và Tài chính xanh, từ đó nhân rộng mạnh mẽ hơn các mô hình kinh doanh bền vững và đóng góp thêm các kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.

Huệ Anh